Lập Hệ sinh thái ngành da giày tăng cơ hội tận dụng lợi thế từ các FTA

Hệ sinh thái ngành da giày giúp nội địa hóa phát triển sản xuất nguồn nguyên phụ liệu, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu thị trường quốc tế.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, UKVFTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

“Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3 năm nay đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững, cùng với đó là vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, DN sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất”, bà Xuân cho biết.

Ngành da giày còn có lợi thế lớn khi xuất khẩu sang các thị trường FTA

Ngành da giày còn có lợi thế lớn khi xuất khẩu sang các thị trường FTA

Các chỉ số sản xuất cho thấy, từ khi tham gia vào các FTA, ngành da giày đã có những bước tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, sự tăng trưởng này vẫn chưa bền vững do tác động từ các yếu tố bên ngoài và chu kỳ kinh tế không ổn định.

Một trong những thách thức lớn hiện tại là yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và lao động từ các thị trường FTA. Những tiêu chuẩn này không chỉ đảm bảo phát triển bền vững, mà còn là rào cản kỹ thuật mà các thị trường sử dụng để hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

“Do đó, các DN cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, quy trình 6 Sigma, và các tiêu chí về môi trường xanh. Trong thời gian tới, các DN da giày cần tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững, từ đó duy trì vị thế và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, TS. Lê Huy Khôi nêu.

Bên cạnh những mặt tích cực về kim ngạch xuất khẩu, ngành da giày còn có lợi thế lớn khi xuất khẩu sang các thị trường FTA, tận dụng rất tốt tỷ lệ sử dụng mẫu chứng thư xuất xứ EURO với gần 100%. Điều đó cho thấy, DN da giày Việt Nam đang tận dụng rất hiệu quả từ FTA.

Song theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nút thắt lớn nhất đối với da giày là vấn đề nguồn nguyên liệu cùng với đó là thiếu thông tin thị trường, đơn hàng không ổn định, vấn đề về vốn và công nghệ và cả dựng thương hiệu.

“Trong chiến lược phát triển của ngành da giày, chúng ta đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực, nhưng để làm điều đó không đơn giản, bởi vì đa số hiện nay các DN chủ yếu vẫn là gia công”, ông Ngô Chung Khanh chỉ ra.

Tạo Hệ sinh thái tối ưu lợi ích của các FTA

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường FTA, DN ngành da giày cần có những bước chuyển đổi phù hợp để tối ưu hóa được lợi ích, tận dụng tốt hơn lợi thế và dư địa từ các FTA mang lại, cũng như chủ động ứng phó để đảm bảo vị thế cạnh tranh và bền vững hơn trong tương lai.

Do đó, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, các DN Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng

Phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu da giày, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành da giày trở thành yếu tố then chốt, để kiểm soát nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Trong đó, xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực nhằm giúp các DN tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và mang lại lợi ích lớn cho các DN và cơ sở sản xuất khi tham. Bên cạnh đó, hệ sinh thái cũng giúp phát triển sản xuất nguồn nguyên phụ liệu nội địa hóa, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất của DN để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các thị trường quốc tế.

“Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng hệ sinh thái FTA là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các DN cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển đội ngũ lao động có tay nghề cao, từ khâu thiết kế, sản xuất đến quản lý chất lượng, không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Việc phát triển hệ sinh thái FTA sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của ngành da giày Việt Nam”, bà Mai nhận định.

Để tiếp tục tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng. Trong đó, sớm hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày. Song song đó, cần có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia để kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lap-he-sinh-thai-nganh-da-giay-tang-co-hoi-tan-dung-loi-the-tu-cac-fta-post1127497.vov