Lập hội đồng thẩm định điều chỉnh phát triển KT-XH dân tộc thiểu số và miền núi
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 878/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo Quyết định trên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ủy viên Hội đồng thẩm định gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có nhiệm vụ và quyền hạn:
Tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình; yêu cầu cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định.
Hội đồng thẩm định Nhà nước có nhiệm vụ xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình.
Hội đồng thẩm định Nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định Nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng
Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm huy động bộ máy giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức công việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình và các hoạt động chung của Hội đồng; phối hợp với các cơ quan để thực hiện các công việc thẩm định.
Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, gửi hồ sơ Chương trình đến các thành viên Hội đồng, lập và trình kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình.
Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng, đề xuất, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình thẩm định; chuẩn bị các chương trình, nội dung, dự kiến các nội dung kết luận và biểu quyết, mời họp, tài liệu và phương tiện làm việc cho các phiên họp của Hội đồng.
Chuẩn bị các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo yêu cầu của các thành viên trong Hội đồng, các Tổ, nhóm chuyên môn trong quá trình thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng) thông qua và ký văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ hồ sơ.../.