Lấp khoảng trống chính sách cho hợp tác xã

Trước bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhiều hợp tác xã đã chủ động sản xuất, ứng dụng khoa học vào sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, không ít hợp tác xã đã vướng nhiều rào cản chính sách gây cản trở tới hoạt động của khu vực kinh tế này. Vì vậy, bên cạnh kỳ vọng hỗ trợ về vốn, hợp tác xã cần một chính sách đủ dài lấp đầy lỗ hổng này.

Sản phẩm quế của Hợp tác xã Tâm Hợi, Lào Cai. Ảnh tư liệu: baolaocai.vn

Sản phẩm quế của Hợp tác xã Tâm Hợi, Lào Cai. Ảnh tư liệu: baolaocai.vn

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã đã chủ động thay đổi mô hình hoạt động, khép kín được chuỗi giá trị, chủ động được thị trường để xuất khẩu. Thế nhưng, các hợp tác xã đều có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên thấp và chưa có uy tín, thương hiệu trên thị trường… dẫn tới việc chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh với bạn hàng.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Tâm Hợi (tỉnh Lào Cai) liên tục mở rộng cả về quy mô sản xuất nhà xưởng với 3 cơ sở thu mua, chế biến quế diện tích hơn 1,5 ha. Các sản phẩm phong phú, đa dạng như quế chẻ, quế ống sáo, quế điếu thuốc, quế sáo vụn, quế sáo xèo, quế chẻ thanh, quế vụn đen, bột quế…, mỗi loại đều có những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng.

Đến nay, dù hợp tác xã đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang 9 quốc gia nhưng việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị vẫn đang gặp không ít trở ngại bởi có những chính sách không phù hợp với thực tiễn.

Tương tự, ông Đặng Vinh Hòa- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước cho biết, nhiều năm qua, thiếu vốn để duy trì cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là bài toán khó với hợp tác xã.

Hơn nữa, với việc ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp; trong đó, một số ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 đồng/m2 đất nên rất khó để hợp tác xã tiếp cận vốn vay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra rằng, tuy đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế song chính sách hỗ trợ hợp tác xã vẫn chưa được bình đẳng so với doanh nghiệp nên không thu hút được thành viên chính thức và thành viên liên kết. Bởi vậy, hợp tác xã vẫn nhỏ về quy mô và loay hoay phát triển.

Để hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nhiều địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hóa giải các điểm nghẽn cho hợp tác xã.

Ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thuận tỉnh Long An chia sẻ, hợp tác xã đã được tạo thuận lợi trong làm thủ tục hồ sơ khi vay vốn, mượn đất xây trụ sở. Không những thế, hợp tác xã còn được lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 50 ha trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Vì vậy, hoạt động của hợp tác xã ngày càng ổn định, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên.

Địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 752 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác với hơn 200.000 thành viên. Tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng; đồng thời hướng dẫn hợp tác xã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp xu hướng hiện nay.

Nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra nhằm giúp hợp tác xã phát triển bền vững như đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng…

Đặc biệt, từ nay đến năm 2025 tỉnh phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để hợp tác xã nắm bắt cũng như tiếp cận nguồn vốn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn hợp tác xã tiếp cận chính sách; trong đó, có chính sách hỗ trợ vay vốn.

Từ nguồn vốn vay tiếp cận được, các hợp tác xã trên địa bàn Vĩnh Phúc đã nhanh chóng bắt tay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể.

Đơn cử, Hợp tác xã Rau hoa Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc sau nhiều năm đi vào hoạt động, với sự đầu tư bài bản hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ cao và sự nhạy bén lựa chọn trồng những loại rau quả có giá trị, hợp tác xã đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ những điểm nghẽn về tiếp cận vốn vay, từ đó tạo thuận lợi cho hợp tác xã vượt qua khó khăn, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.

Nhận định từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực tế hoạt động hỗ trợ vốn cho hợp tác xã đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu cầp thiết về vốn; đồng thời, giúp nhiều hợp tác xã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, việc triển khai chính sách tín dụng cho hợp tác xã vẫn còn nhiều thách thức bởi trong tổng số hợp tác xã đang hoạt động, chỉ 1,5% có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tiếp tục tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Do đó, để tiếp cận nguồn vốn vay, ngoài hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã cần nâng cao năng lực hoạt động và quản lỳ tài chính, chú ý đến vấn đề công khai, minh bạch.

Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên hợp tác xã và đối tác; đồng thời đủ điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/lap-khoang-trong-chinh-sach-cho-hop-tac-xa-20230901070525244.htm