Lấp khoảng trống thiếu giáo viên bằng mô hình tình nguyện viên đứng lớp
Mô hình tình nguyện viên đứng lớp tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là sự chung tay của các phụ huynh giúp việc chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.

Các tình nguyện viên được khám sức khỏe, tập huấn kỹ năng cơ bản khi hỗ trợ giáo viên đứng lớp. (Ảnh: ĐVCC)
Giáo dục vùng cao Yên Bái có nhiều mô hình giúp gắn kết giữa giáo viên và phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nuôi dưỡng đối với học sinh.
Một trong số đó là mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" tại tỉnh Yên Bái đã được thực hiện và tiếp tục duy trì tại các điểm bản của các nhà trường.

Tình nguyện viên là nữ phụ huynh, luân phiên nhau cùng cô giáo chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ. (Ảnh: ĐVCC)
Hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" giúp gắn kết giữa cô giáo, phụ huynh và học sinh. Từ đó phụ huynh quan tâm hơn tới việc dạy trẻ học tại nhà, đồng thời giúp phụ huynh hiểu hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ.
Đặc biệt, thời gian qua việc giáo dục trẻ nhỏ không chỉ là trách nhiệm của cô giáo mà còn có sự chung tay từ các bậc cha mẹ học sinh, tình nguyện viên đứng lớp.


Các tình nguyện viên hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ. (Ảnh: ĐVCC)
Sự đồng hành của các tình nguyện viên không chỉ là nguồn động viên to lớn mà còn là cầu nối vững chắc giúp cô giáo chăm sóc và dạy dỗ các con tốt hơn, lấp khoảng trống thiếu giáo viên tại các điểm trường cấp Mầm non tại Mù Cang Chải.
Cô Mai Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: "Nhà trường thiếu nhiều giáo viên. Nhà trường có 23 nhóm lớp với 690 học sinh. Lẽ ra nhà trường phải có 46 giáo viên mới đủ, nhưng hiện nhà trường chỉ có 32 giáo viên (2 giáo viên nghỉ thai sản) có 2 giáo viên tăng cường, như vậy vẫn có 13 nhóm lớp chỉ có 1 giáo viên/lớp".

Cô giáo giúp trẻ ôn luyện tại nhà với " Ngày thứ 7 cùng dân". (Ảnh: ĐVCC)

Dạy trẻ làm quen, đánh vần các chữ cái tại nhà. (Ảnh: ĐVCC)
"Các cô giáo sẽ lên lịch, ví dụ lớp có 30 học sinh thì cô giáo sẽ phân mỗi phụ huynh hỗ trợ 1 ngày, luân phiên. Các tình nguyện viên tình nguyện không có chi phí. Những phụ huynh sẽ hỗ trợ chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ, giảm áp lực cho giáo viên. Các tình nguyện viên thường nhiệt tình, hòa đồng và có sự gắn kết với giáo viên chủ nhiệm", cô Mai Thị Lan chia sẻ thêm.

Cùng các trẻ tìm hiểu, giữ gìn văn hóa dân tộc địa phương. (Ảnh: ĐVCC(
Cô Phạm Thị Vân, cán bộ phụ trách Giáo dục Mầm non của Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải thông tin: "Mô hình này xuất phát từ việc thiếu giáo viên trên địa bàn. Mô hình được thực hiện từ thời điểm giáo viên của địa bàn huyện chỉ đạt 60%. Phòng GD&ĐT đã đề xuất với huyện về mô hình này, các phụ huynh là nữ sẽ tình nguyện đến lớp hỗ trợ giáo viên, tại những điểm chỉ có 1 giáo viên/ lớp. Theo quy định, giáo viên mầm non là 2 giáo viên/ lớp".
"Thời điểm bắt đầu xây dựng mô hình này từ năm học 2022 - 2023, đã huy động được 111 tình nguyện viên hỗ trợ các cô giáo tại điểm bản có 1 cô giáo/ lớp. Với vai trò của mình, Phòng GD&ĐT đã có văn bản, họp phụ huynh. Tất cả các phụ huynh trợ giảng đều phải được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức cơ bản.
Đến năm học 2023 - 2024, huy động, duy trì được 75 tình nguyện viên/ 15 đơn vị trường Mầm non. Hiện huyện còn thiếu 69 giáo viên, 3 quản lý".
"Việc huy động tình nguyện viên không chỉ giúp lấp khoảng trống thiếu giáo viên, mô hình này còn giúp các cô giáo duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh bằng việc các tình nguyện viên tham gia gọi học sinh đến lớp. Chăm sóc các em, nấu những bữa canh nóng cho các em học sinh mang cơm cặp lồng", cô Phạm Thị Vân nói thêm.