Học Bác từ những điều giản dị
Những tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh trên các lĩnh vực ngày càng nở rộ, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với những việc làm giản dị, thiết thực.
1. Yêu nghề “gõ đầu trẻ” từ thuở bé nên cô Lê Thị Hiểu - giáo viên (GV) Trường Tiểu học Khánh Hậu (TP.Tân An, tỉnh Long An), nuôi ước mơ mang con chữ đến với học sinh (HS) vùng biên.

Nhớ lời Bác dạy, cô Lê Thị Hiểu - giáo viên Trường Tiểu học Khánh Hậu (TP.Tân An), dùng tình thương, sự kiên trì, nhẫn nại của người giáo viên đối với trẻ nhỏ
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, cô Hiểu được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Đặng Thị Mành (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Vì hoàn cảnh gia đình, sau này hai vợ chồng cùng chuyển công tác và cô về giảng dạy tại Trường Tiểu học Khánh Hậu được 10 năm.
Đến liên hệ trong một lần cô Hiểu lên lớp, chúng tôi cảm nhận không khí học tập tại đây thật vui. Cô Hiểu đang say sưa bên những trò nhỏ với chương trình Tiếng Việt lớp 1. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, nhỏ nhẹ hỏi HS xem chỗ nào đọc được hay từ nào chưa hiểu nghĩa. Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô cho rằng, bản thân không chỉ dạy học mà còn như người mẹ hiền giúp HS biết những câu chữ đầu tiên trong cuộc đời.
Cô Hiểu chia sẻ: “Với các con lớp 1, giai đoạn bước vào năm đầu tiên của cấp tiểu học vô cùng bỡ ngỡ, rụt rè. Vì vậy, tôi rèn cho các con nền nếp lớp học như hướng dẫn xếp hàng ra vào lớp, biết giữ trật tự trong giờ học, biết ăn hết phần ăn, nghỉ ngơi đúng giờ giấc; hướng dẫn các con biết chuẩn bị dụng cụ học tập, sử dụng sách vở, cách cầm bút, tư thế ngồi viết, giữ gìn đồ dùng học tập;...”.
Bác Hồ từng dạy: “GV phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho HS có đức thì GV phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Nhớ lời Bác dạy, cô Hiểu dùng tình thương, sự kiên trì, nhẫn nại của người GV đối với trẻ nhỏ. Mỗi ngày, cô tự học, tự rèn luyện để tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm soạn giáo án theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cô sử dụng phương pháp trò chơi trong các hoạt động dạy học để giúp các em có không khí vui vẻ, thoải mái trước khi vào tiết học theo đúng tinh thần của khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Những giờ lên lớp, cô thường dành thời gian rèn luyện cho những HS chưa tiến bộ. Cô còn tạo nhóm Zalo để giúp đỡ, hỗ trợ cha mẹ HS hướng dẫn con em học tập ở nhà.
Từ sự tận tâm và động lực của gia đình, nhiều năm liền, cô Lê Thị Hiểu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; nhiều giải thưởng trong các cuộc thi GV dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; 9 năm liền là đảng viên, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đạt danh hiệu Nhà giáo Ưu tú;... Vừa qua, cô Hiểu là cá nhân duy nhất trong tỉnh nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Học theo gương Bác đối với nông dân không chỉ siêng năng, cần cù mà còn có tinh thần học hỏi, nắm bắt xu hướng hiện đại, thay đổi tư duy làm nông nghiệp, nhất là trong thời đại mới. Đó là chia sẻ của anh Lê Thanh Nhàn - chủ Cơ sở Nấm Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh). Năm 2024, anh là người duy nhất trong tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cơ sở Nấm Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương
Cách đây gần 10 năm, anh bắt đầu tìm hiểu và trồng thử nghiệm nấm bào ngư tươi. Tuy nhiên, nấm trồng ra chất lượng không đạt. Không nản lòng, anh mạnh dạn đăng ký khóa học ngắn hạn về trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Vừa học, anh vừa mua nguyên, vật liệu về thử nghiệm tạo phôi và trồng nấm. Gần 2 năm, anh mới đúc kết được bí quyết của nghề này. Năm 2017, anh Nhàn bắt đầu sản xuất phôi giống đại trà bán cho khách hàng ở các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp,... Hiện nay, cơ sở nấm giải quyết việc làm thường xuyên cho một số lao động ở địa phương.
Để có cơ sở như ngày nay, anh Nhàn bỏ nhiều công sức, đầu tư cuốn chiếu theo từng năm. Anh vẫn làm ruộng và dành một phần kinh phí để mua thêm các trang thiết bị. Phải mất khoảng 2 năm, cơ sở mới đi vào hoạt động ổn định. Anh Nhàn thông tin, trồng nấm theo hướng hữu cơ có nghĩa là phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu tạo phôi giống từ cám gạo, cám bắp; đồng thời, diệt các loại côn trùng chủ yếu bằng các loại tinh dầu.

Anh Lê Thanh Nhàn (giữa) - chủ Cơ sở Nấm Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh), nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/HU của Huyện ủy Tân Thạnh
Trang trại nấm Thanh Nhàn có diện tích khoảng 5.000m2, toàn bộ quy trình đều sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ thành công với nấm bào ngư, anh lại mày mò và tiếp tục thành công với nấm linh chi, mộc nhĩ (nấm mèo) và đông trùng hạ thảo. Trong quá trình sản xuất, yếu tố tiên quyết được anh đặt lên hàng đầu là hướng đến các sản phẩm sạch để khách hàng tin dùng.
“Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, cơ sở nấm của tôi có 4 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong năm 2023. Hiện nay, nguồn tiêu thụ các mặt hàng này chủ yếu bán qua các trang mạng xã hội và trên trang thương mại điện tử. Ngoài ra, anh còn bán cho các khách hàng thân quen và khu vực lân cận. Gần đây, tôi bắt đầu thử nghiệm mô hình mới đó là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” - anh Lê Thanh Nhàn thông tin.
Nhờ công việc kinh doanh thuận lợi, mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ sản xuất, kinh doanh, chăm lo cuộc sống gia đình, hàng năm, anh còn tặng quà cho các gia đình gặp khó khăn, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã và các nguồn khác. Không những vậy, anh cũng có nhiều việc làm góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
3. Học tập và làm theo gương Bác từ những việc giản dị trong đời sống hàng ngày là phương châm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 3, TP.Tân An.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3, Chủ tịch Hội - Đoàn Thị Đăng Châu (thứ hai, từ trái qua) nhậnBằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024
Chồng bị tai nạn gãy chân, một mình bà Nguyễn Thị Huệ (khu phố 3, phường 3, TP.Tân An) phải đi mua ve chai, vừa lo thuốc cho chồng, vừa trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình nên cuộc sống khá chật vật. Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của bà, từ mô hình Chung tay mua bảo hiểm y tế (BHYT), Chi hội PN khu phố 3 cùng các hội viên (HV), PN khác vận động, hỗ trợ mua BHYT cho gia đình bà Huệ.
“Nhờ có thẻ BHYT mà chi phí khám, điều trị bệnh của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đáng kể. Không chỉ san sẻ gánh nặng cho HVPN, chăm lo sức khỏe của họ, mô hình còn góp phần tăng tỷ lệ BHYT toàn dân. Đây là một trong những việc làm thiết thực mà Hội noi gương Bác, làm việc có ích cho dân” - Chủ tịch Hội LHPN phường 3 - Đoàn Thị Đăng Châu cho biết.
Mô hình Chung tay mua BHYT bắt đầu thực hiện từ năm 2015 và Chi hội PN khu phố 3 được chọn làm điểm với 15 thành viên. Ban đầu, các PN trong nhóm góp từ 20.000-50.000 đồng/tháng hỗ trợ PN có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT. Từ hiệu quả mang lại, mô hình được nhân rộng ra các khu phố còn lại với số tiền cũng như số thẻ BHYT tăng dần theo từng năm.
Ngoài mô hình trên, Hội LHPN phường 3 còn có nhiều việc làm trong học tập và làm theo gương Bác, chủ yếu liên quan đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống HVPN: Bếp ăn từ thiện, Tiết kiệm tình thương, những công trình mang tên Hội,... góp phần xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Với những hoạt động nổi bật, từ năm 2021 đến năm 2024, Hội được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là một trong những tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024.
Việc học tập, noi gương Bác giờ đây trở thành lối sống, nếp nghĩ của từng cán bộ, đảng viên, người dân. Từ đó, có nhiều việc làm hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoc-bac-tu-nhung-dieu-gian-di-a190858.html