Những ngày đầu Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực: Giáo viên, học sinh tuân thủ để việc dạy, học thêm vào nền nếp
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) đã có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, dẫn đến những thay đổi quan trọng trong việc dạy và học thêm. Bớt áp lực, thêm tự chủ nhưng cũng không ít khó khăn, giáo viên, học sinh và phụ huynh đang từng bước thích nghi để tìm ra nhịp điệu mới cho giáo dục.

Một tiết học trên trường của học sinh. (Ảnh: Fanpage Trường THCS Xuân Đỉnh)
Có lo lắng, bỡ ngỡ, nhưng ủng hộ
Thông tư 29 quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư đề ra các nguyên tắc, trường hợp được và không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm, cũng như trách nhiệm quản lý hoạt động này.
Ghi nhận những ngày đầu có hiệu lực, các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã chủ động triển khai thực hiện Thông tư 29, với mục tiêu điều chỉnh và kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm, qua đó tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, hiệu quả cho học sinh. Nhiều cơ sở giáo dục chủ động giảm các lớp học nâng cao, tăng cường và tập trung hơn cho các lớp chính khóa.
Thông tư không chỉ tác động đến các cơ sở giáo dục mà còn thúc đẩy các giáo viên và phụ huynh cùng chung tay thực hiện những thay đổi tích cực trong việc giảng dạy và học tập. Cô Phạm Thu Hường hiện đang công tác tại Trường THPT Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Thông tư mới được ban hành, ban đầu có thể khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên, theo thời gian, khi mọi người dần thích nghi, những lợi ích của nó sẽ được phát huy rõ rệt. Điều quan trọng là các em học sinh cần chủ động và tích cực hơn trong việc học tập để đáp ứng những yêu cầu mới”.

Cô Hường trong tiết dạy của mình. (Ảnh: NVCC)
Cô Hường chia sẻ thêm: “Là một giáo viên với 17 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Cá nhân tôi cho rằng, để Thông tư 29 phát huy tối đa hiệu quả, việc thay đổi phương pháp và cách tổ chức dạy học bổ trợ trong nhà trường cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và giảm áp lực tài chính cho phụ huynh".
Thông tư 29 đã tạo ra những tác động rõ rệt đến việc học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh cuối cấp đang trong giai đoạn ôn thi quan trọng. Nguyễn Trà My hiện đang học lớp 12 tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: "Thông tư về vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm giúp chúng em giảm bớt áp lực phải tham gia quá nhiều lớp học ngoài giờ, từ đó có thể tự chủ hơn trong việc xây dựng lộ trình học tập phù hợp với bản thân".
Điều này không chỉ giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, mà còn thúc đẩy các em phát triển kỹ năng tự học - một yếu tố quan trọng không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp mà còn trong học tập lâu dài và công việc sau này. Trà My cũng bày tỏ, khi không còn bị áp lực phải tham gia quá nhiều lớp học thêm, em có thể tập trung tự học, tìm kiếm tài liệu phù hợp cho quá trình ôn tập. Việc giảm các giờ học bổ trợ trên trường cũng giúp em có thêm thời gian để ôn luyện các môn thi quan trọng và tập trung cho kỳ thi đánh giá năng lực hơn.
Tác động rõ rệt
Khi các lớp học nâng cao tăng cường trên trường được giảm bớt, điều này cũng mang lại sự linh hoạt trong việc phân bổ thời gian. Từ đó, học sinh có thể tập trung vào những môn trọng tâm, giúp quá trình ôn thi trở nên hiệu quả hơn.
Giống với Trà My, Vĩnh Kỳ là học sinh cuối cấp đang trải qua thời gian ôn thi quan trọng, hiện em đang học tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Em nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ khi Thông tư 29 được ban hành và có hiệu lực. Cụ thể, em chia sẻ: “Từ khi trường áp dụng Thông tư 29 về việc dạy thêm, học thêm, em không chỉ dành thời gian để học các môn học trên trường, ôn thi ngày đêm như trước. Thay vào đó, em có thể sắp xếp thời gian để tự học và thu thập các tài liệu hữu ích bên ngoài. Bên cạnh đó, em còn có thể học các môn thể thao, các môn năng khiếu để giải trí cũng như trau dồi thêm kỹ năng mềm”.

Nguyễn Trà My hiện đang là học sinh cuối cấp tại một trường cấp 3 ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Huyền)
Sự thay đổi trong chính sách dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 không chỉ ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên mà còn tác động đáng kể đến phụ huynh. Trong những ngày đầu triển khai, phụ huynh có những phản ứng khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhận thức và nhu cầu học tập của con cái.
Chị Lê Minh Anh, phụ huynh có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Thông tư 29, đặc biệt là quy định không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học. Con tôi có thời gian học chính khóa kéo dài cả ngày, sau đó lại tiếp tục tham gia lớp bổ trợ chiều tối. Điều này khiến bé rất mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi và vui chơi đúng nghĩa. Khi dạy thêm được kiểm soát chặt chẽ hơn, bé sẽ có thời gian thư giãn và phát triển toàn diện hơn”.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh có con học cấp THCS, THPT cũng có quan điểm tương tự. Anh Hoàng Văn Dũng, phụ huynh của học sinh đang theo học tại trường Trung học cơ sở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Việc học thêm quá nhiều khiến các con bị áp lực, không còn thời gian tự học và sáng tạo. Thông tư 29 có thể giảm bớt tình trạng này, tạo điều kiện cho các con có thời gian tự học và rèn luyện kỹ năng. Quan trọng là các con cần phải có ý thức tự giác, nếu không có sự chủ động thì việc học cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Em Hoàng Vĩnh Kỳ là một học sinh lớp 12 tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, vẫn có một số phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc giảm bớt các lớp học thêm có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của con em mình, đặc biệt là những học sinh cuối cấp. Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi đang trong giai đoạn ôn thi đại học. Khi Thông tư 29 hạn chế dạy thêm, tôi thực sự lo lắng liệu cháu có đủ thời gian và sự hỗ trợ để đạt kết quả tốt nhất hay không. Dù cháu có thể tự học, nhưng với lượng kiến thức lớn và áp lực kỳ thi, tôi vẫn mong nhà trường có thể tổ chức thêm các buổi hỗ trợ ôn tập một cách hợp lý”.
Nhìn chung, phụ huynh có những quan điểm khác nhau về Thông tư 29, tùy thuộc vào tình hình học tập của con em mình. Tuy nhiên, đa số đồng tình rằng việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm là cần thiết để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực không cần thiết cho học sinh. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh để giúp học sinh chủ động trong học tập một cách hiệu quả nhất.