Lấp lánh 'ngọc' Y Tý

Từ 'viên ngọc' của các vị thần trong truyền thuyết, Y Tý đang trở thành vùng du lịch có tiếng của tỉnh Lào Cai và cả nước bởi những thung lũng mây lờ lững, những cánh rừng già ngập sắc xanh, những thửa ruộng bậc thang trập trùng...

Theo phong tục, vào tháng 11 âm lịch, các gia đình người Hà Nhì ở vùng biên Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đón Tết cổ truyền Ga Tho Tho. Đây cũng là dịp tổng kết một năm nông nghiệp, dâng lễ vật cúng tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ gia đình trong năm cũ, chuẩn bị đón xuân mới

Người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý

Đến với Y Tý đúng dịp Tết cổ truyền của người Hà Nhì, chúng tôi có trọn một ngày ăn Tết cùng bà con ở thôn Lao Chải 1, Lao Chải 3.

Tôi tò mò hỏi ông Ly Giờ Có, nguyên Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý: “Ga Tho Tho” nghĩa là gì? Ông Có cười bảo: “Không biết dịch thế nào, chỉ biết đây là Tết để người Hà Nhì bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và các vị thần linh trong một năm qua đã phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, bình an, mùa màng bội thu”. Với ý nghĩa đó, Tết Ga Tho Tho được coi là nghi lễ truyền thống quan trọng của người Hà Nhì, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong 3 ngày Tết, dân bản đều nghỉ ngơi, vui chơi và đi thăm hỏi, chúc nhau một năm mới phát tài, may mắn. Đây cũng là dịp để nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Nhóm bạn đến từ Hà Nội thích thú đi săn mây tại Y Tý

Nhóm bạn đến từ Hà Nội thích thú đi săn mây tại Y Tý

Trong ánh lửa bập bùng, ấm áp, ông Ly Hờ Suy, thôn Chỏn Thèn, là người am hiểu sâu sắc phong tục của dân tộc Hà Nhì kể câu chuyện từ thuở khai thiên lập địa, mở đất lập làng, người Hà Nhì đã coi trọng 4 thứ linh thiêng là đất làm nhà, nước, lửa và rừng. Vì thế, người Hà Nhì thường làm tường nhà bằng đất, sống ở nơi có nguồn nước chảy, năm nào vào tháng Giêng cũng làm lễ cúng thần nước. Vì coi trọng lửa, nên người Hà Nhì đặt bếp lửa ở trong nhà gần bàn thờ tổ tiên. Người Hà Nhì không thể sống thiếu rừng, luôn bảo vệ rừng, mỗi thôn đều có 4 khu rừng thiêng: Gạ Ma Do, Thứ Tỷ, A Gơ Lạ Do và khu rừng cúng tháng 3 Mu Thu Do. Hằng năm, tháng 6, thôn nào cũng mổ trâu làm lễ hội Khô Già Già tạ ơn thần rừng…

Những giá trị văn hóa dân tộc đang được người Hà Nhì tạo thành điểm nhấn trong quá trình làm du lịch. Ly Xá Xuy (thôn Mò Phú Chải), một chàng trai trẻ người dân tộc Hà Nhì, tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, nhưng quyết tâm trở về quê hương để phát triển homestay cho biết: “Ý tưởng thì em có từ lâu, nhưng chẳng biết làm cách nào. Em bắt đầu từ việc sử dụng mạng xã hội để giới thiệu nhiều hơn về Y Tý. Mỗi ngày, em lại đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh về Y Tý, hoặc cập nhật tình hình thời tiết, các câu chuyện về phong tục, tập quán của dân tộc em…".

Dần dà, nhiều người tương tác và biết đến Ly Xá Xuy hơn, một số người có kế hoạch lên Y Tý đã liên hệ trực tiếp với Ly Xá Xuy để hỏi han thông tin về điểm ăn, chơi, ngủ nghỉ… Từ đó, kế hoạch về việc xây dựng một homestay trở nên rõ ràng hơn và Ly Xá Xuy quyết định đi theo con đường này.

Du khách thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân tộc Hà Nhì.

Du khách thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân tộc Hà Nhì.

Theo nhận định của chàng trai trẻ, khách đến với Y Tý không chỉ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của nơi này, mà còn muốn được hiểu thêm về Y Tý, về người Hà Nhì, chứ không đơn thuần là đi chơi, check-in xong rồi về.

Không chỉ Ly Xá Xuy, nhiều người trẻ Hà Nhì cũng thành công khi xây dựng mô hình du lịch gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát vẫn trăn trở: Du khách đa phần là người nội tỉnh, khách lẻ, chứ rất ít đoàn khách đông, do địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nguồn lực đầu tư chưa lớn, số lượng homestay tại huyện mới dừng ở con số 43.

"Hiện nay, huyện vận động các chủ homestay cải tạo nhà theo nhà trình tường của người Hà Nhì hay nhà truyền thống người Mông, người Dao. Bảo tồn phát huy văn hóa dân gian, phong tục tập quán của bà con dân tộc, nhất là khi 50% số dân trên địa bàn là người Hà Nhì, người Dao, người Mông…”, ông Tâm chia sẻ.

Phát triển Y Tý thành điểm sáng du lịch

Vượt quãng đường gần 400 km, anh Võ Phước Đức (41 tuổi, Hà Nội) cùng nhóm hơn 10 người bạn quyết định chọn Y Tý làm điểm đến thay vì Sa Pa, vì nơi đây còn nhiều nhà trình tường của người dân tộc Hà Nhì, đào rừng, có cơ hội ngắm mây.

"Mình tranh thủ cuối tuần cùng các bạn lên đây chơi. Trời mưa nhỏ vào ngày hôm qua nhưng hôm nay trời quang hơn, phong cảnh hùng vĩ nên không bõ công mình từ Hà Nội lên đây", anh Đức tâm sự.

Ruộng bậc thang lúa chín vàng tạo nên bức tranh thơ mộng đầy màu sắc

Ruộng bậc thang lúa chín vàng tạo nên bức tranh thơ mộng đầy màu sắc

Đi cùng đoàn anh Đức, chị Trương Thị Phương Như chia sẻ: “Thật vui khi mình được biết đến nơi này, một nơi lý tưởng để trải nghiệm với thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, mến khách. Đã đến Y Tý một lần thì mình sẽ còn quay trở lại đây”.

Anh Gôn - hướng dẫn viên du lịch tự do chuyên dẫn khách leo núi Lảo Thẩn, khám phá Y Tý bảo, trong 2 tháng qua, anh đưa gần 200 khách Hà Nội và các tỉnh lên Y Tý. Còn những năm trước, khi dịch bệnh chưa ảnh hưởng nhiều, lượng khách đến với Y Tý còn cao hơn, mỗi tuần đưa cả chục khách đến “thiên đường mây”. Còn Ly Xá Xuy cho biết, năm nay dịch bệnh được kiểm soát, khách đến Y Tý tăng hơn năm ngoái, nhưng những ngày cuối tuần, homestay thường kín chỗ.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch và sức hút của Y Tý đối với du khách, ông Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý khẳng định, cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu khác trong Nghị quyết của Đảng bộ xã, được cụ thể hóa bằng Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc xã Y Tý giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, xã sẽ tăng cường quản lý đất đai và quy hoạch; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2025, Y Tý thu hút trên 600.000 lượt du khách; số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày/người; chi tiêu bình quân 1 triệu đồng/người/ngày; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Với những người thích xê dịch, ưa khám phá, trải nghiệm sẽ rất thích thú với chuyến du lịch phượt đến Y Tý để săn mây và có những bức ảnh độc, đẹp đến mê mẩn

Với những người thích xê dịch, ưa khám phá, trải nghiệm sẽ rất thích thú với chuyến du lịch phượt đến Y Tý để săn mây và có những bức ảnh độc, đẹp đến mê mẩn

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Để Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh, huyện Bát Xát tập trung quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch của vùng đất này. Huyện đề xuất với tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch trong vùng và các điểm du lịch trên địa bàn; chú trọng bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch… Đến nay, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào phát triển du lịch Y Tý theo quy hoạch chung đã công bố.

Từ một vùng đất hoang sơ, huyền bí với những truyền thuyết, huyền thoại, được ví như “viên ngọc” của các vị thần, nơi các vị thần lựa chọn để người Hà Nhì định cư, Y Tý bây giờ đã trở thành mảnh đất của du lịch nhưng vẫn giữ được những nét mộc mạc, hoang sơ. Đặc biệt hơn nữa, du khách sẽ rất ấn tượng với dịch vụ nhà homestay tại đây, trải nghiệm với những nét văn hóa của ngôi nhà trình tường đem lại cảm giác mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Song song với đó là sức hút của những phong tục văn hóa truyền thống, được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa.

Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu – khởi đầu cho những thành công, những ước vọng và cũng có thể là khởi đầu cho những hành trình khám phá đầy ý nghĩa. Một ngày Tết ở vùng cao Y Tý có thể sẽ là một dấu ấn đáng nhớ trong năm mới, cho chúng ta được đi, được biết và thêm yêu mảnh đất biên cương Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND Bát Xát Sùng Thị Hồng Mai cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khai thác lợi thế tiềm năng vốn có về khí hậu, về cảnh quan thiên nhiên và phát huy, bảo tồn, khai thác có hiệu quả bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, trong đó có phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 1,5 triệu khách du lịch đến với Bát Xát.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/lap-lanh-ngoc-y-ty-1090091.html