Lấp 'lỗ hổng' thiếu trang, thiết bị y tế
Từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Trong đó, có 96 bác sĩ, chiếm 47% số người nghỉ việc. Bên cạch đí là tình trang thiếu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Đây là trăn trở của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trịnh Hữu Hùng tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ Bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa diễn ra sáng nay, 12.7.
Lo ngại về thiếu trang, thiết bị y tế không chỉ là nỗi lo của riêng ông Hùng. Bởi hiện nay đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị. Lý giải về tình trạng này, Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Điều này dẫn đến một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Bên cạnh đó, mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ…
Thực tế hàng loạt vụ án gần đây liên quan đến công tác chỉ định thầu về mua sắm trang thiết bị y tế cho thấy công tác chỉ định thầu trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến lợi dụng sai phạm. Từ đó, cũng dẫn tới tâm lý sợ trách nhiệm không dám làm của không ít lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu trang thiết bị y tế, gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây cũng là băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội trên diễn đàn Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thẳng thắn chỉ rõ, những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng vốn đã kéo dài trong nhiều năm thì nay ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trong bối cảnh xảy ra các vụ án trong lĩnh vực y tế và tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đang đóng băng, không dám triển khai, trong khi đó thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng nâng cao và các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Để nhân dân được chăm sóc sức khỏe y tế thì thuốc và trang, thiết bị y tế phải được bảo đảm. Muốn vậy, các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Muốn lãnh đạo các đơn vị này đủ tự tin để thực hiện nhiệm vụ này rất cần những quy định pháp luật chặt chẽ về đấu thầu, thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, tránh tình trạng ‘vừa làm vừa sợ’ trách nhiệm.