Lập luận của VKS khi nữ doanh nhân kêu oan về cáo buộc gây thiệt hại hơn 980 tỉ
Tại phần tranh luận, bị cáo Nguyễn Thị Ngọ kêu oan về cáo buộc vay tiền Ngân hàng Đông Á để mua cổ phần tại ngân hàng và gây thiệt hại 981 tỉ đồng.
Chiều 29-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) cùng bị cáo Nguyễn Thị Ngọ (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực châu Á Thái Bình Dương), Nguyễn Đức Tài (cựu giám đốc DAB sở giao dịch) và Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu phó tổng giám đốc DAB).
3 bị cáo nhận tội, 1 bị cáo kêu oan
Sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo nói lời sau cùng. Do có vấn đề về sức khỏe nên bị cáo Trần Phương Bình xin vắng mặt tại phiên xử buổi chiều.
Bị cáo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Ngọ trình bày bị cáo không có tội và không lấy tiền và không làm DAB 981 tỉ đồng như cáo buộc.
Trước đó tại phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với bị cáo Trần Phương Bình 8 - 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Đức Tài và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân cùng 2 - 3 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Ngọ 7 - 8 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại phần bào chữa, trừ bị cáo bị cáo Nguyễn Thị Ngọ kêu oan, không nhận tội; các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
VKS khẳng định truy tố đúng người, đúng tội
Theo cáo buộc, năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng hai lần để tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng. Sau khi bàn bạc với bà Ngọ, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới tại DAB cho bà Ngọ vay 10 khoản hơn 297 tỉ đồng.
Bà Ngọ dùng 297 tỉ đồng và tiền vay thêm từ nhiều ngân hàng để mua 26.500 cổ phần DAB. Đến năm 2008, khi không có khả năng trả nợ các khoản vay, bà Ngọ đề nghị ông Bình cho vay khoản mới để đảo nợ. Khi lập hồ sơ vay tại DAB, bà Ngọ đã sử dụng hai công ty và 31 cá nhân gồm chồng, con, cháu… đứng tên vay với số tiền gần 1.353 tỉ đồng để mua cổ phần, đảo nợ, kinh doanh.
Ông Bình chỉ đạo Tài, Vân để ký tờ trình phê duyệt cho bà Ngọ vay đảo nợ, che giấu nợ xấu ngân hàng; nhưng các hồ sơ không thẩm định điều kiện vay vốn, tài sản đảm bảo. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, bà Ngọ còn nợ DAB 981 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Trình bày tại tòa, bị cáo Ngọ thừa nhận đã cung cấp danh sách nhân viên, người thân cho nhân viên DAB để vay vốn. Tuy nhiên, bị cáo Ngọ phủ nhận vì không có việc DAB đã giải ngân cho bị cáo.
Đối đáp, VKS cho rằng bị cáo Ngọ phải chịu trách nhiệm về 19 khoản vay tín dụng và 23 khoản vay thấu chi hiện còn dư nợ tại DAB. Đối với 19 khoản vay tín dụng, bị cáo Ngọ nhờ nhân viên đứng tên vay và được DAB giải ngân 13.000 chỉ vàng SJC vào ngày 10-6-2008.
Tại tòa, bị cáo Ngọ cho rằng thời điểm này DAB không có vàng để giải ngân và được thể hiện qua sổ quỹ ngân hàng; gia đình bị cáo bị lừa để che đậy việc bị cáo Bình gây thất thoát cho DAB và cho rằng bị VKS gán ghép tội.
Đối đáp bị cáo, VKS cho rằng cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội bởi các căn cứ:
Thời điểm bị cáo Ngọ nhờ nhân viên, người thân đứng tên các khoản vay khống, bị cáo Ngọ đang là thành viên HĐQT, lãnh đạo của DAB và buộc nắm rõ việc tăng vốn điều lệ; biết rõ việc vay tiền của DAB để mua chính cổ phần của DAB là bị cấm.
Chính vì vậy, bị cáo Ngọ đã đưa danh sách nhân viên, người thân đứng tên. Và khi DAB giải ngân, bị cáo không nhận tiền, vàng vì việc giải ngân là thủ tục và tiền đã được nộp cho DAB để mua 26.500 cổ phần. Thực tế đến nay, bị cáo Ngọ và gia đình vẫn đang đứng tên sở hữu số cổ phần này tại DAB và được chia cổ tức.
“Bị cáo Ngọ là người đưa thông tin người thân cho DAB, là người nhờ họ kí tên trên các chứng từ… Các cơ quan tố tụng đã rất nhân văn, phân hóa vai trò trách nhiệm, không buộc họ chịu trách nhiệm đối với hành vi này”, VKS đối đáp.
Tại tòa, Đại diện DAB cho rằng, sau khi vay vàng, khách hàng có thể rút vàng hoặc chuyển vàng thành tiền để thanh toán các khoản vay khác, trả nợ… nên sổ quỹ không ghi nhận có vàng cũng là hiểu được. Đại diện DAB cũng yêu cầu vay vàng phải trả vàng, vay tiền thì trả theo tỉ giá.
Đối với đề nghị của DAB về việc yêu cầu các cá nhân vay hộ tiền cho bị cáo Ngọ phải liên đới bồi thường, VKS cho rằng không có căn cứ.
Theo VKS, cá nhân đứng tên vay là không đúng quy định nhưng toàn bộ số tiền vay chuyển mua cổ phần. Hiện tại số cổ phần này đang được bị cáo Ngọ và gia đình thụ hưởng nên bị cáo Ngọ phải chịu trách nhiệm các khoản vay.
Dự kiến, 9 giờ sáng ngày 1-4-2024 (thứ 2) HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo.
MINH CHÂU