Lập pháp theo sát 'hơi thở cuộc sống', đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Quốc hội tiếp tục ghi dấu ấn mới với sự thay đổi tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Các cơ quan đều vào cuộc với tinh thần cao nhất, làm việc đêm ngày để đồng hành nhanh nhất trong tháo gỡ thể chế.

Đổi mới tư duy, quy trình công tác lập pháp là đòi hỏi cấp bách nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để đạt được mục tiêu 21 năm tới trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau mà thực tiễn xã hội đã và đang đặt ra, doanh nhiệp, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Đây là kỳ họp công tác lập pháp chiếm khối lượng lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Media Quốc hội)

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Media Quốc hội)

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác lập pháp tại kỳ họp vừa qua cơ bản đã thể hiện được tinh thần đổi mới theo yêu cầu đặt ra.

Các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi.

“Những việc bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền thực hiện để Chính phủ, các cơ quan trung ương tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô”, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Chính vì vậy, các dự thảo nghị quyết, luật qua quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đều bảo đảm ngắn gọn, đúng thẩm quyền, bám sát thực tiễn, không nóng vội. Tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và các cơ quan khác.

Quy định của luật rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, góp phần đơn giản, gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện.

Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đều nhấn mạnh tới đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình cao vì quan điểm trên rất kịp thời, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

“Thời gian vừa qua có những bất cập, chồng chéo và như Tổng Bí thư nhấn mạnh “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Cho nên việc khai thông thể chế chính là khai thông nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp rất quan trọng”, ông Mạnh nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội đã không còn quan ngại chuyện kỳ trước vừa bấm nút thông qua, kỳ sau lại bấm nút sửa đổi. Quốc hội có thể họp ngoài giờ hành chính, họp cả buổi tối, ngày nghỉ, các cơ quan của Quốc hội cũng thường xuyên sáng đèn làm việc, luôn luôn hướng đến sự đồng hành nhanh nhất để tháo gỡ thể chế.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội)

“Qua đó để thấy rõ câu chuyện đã đến lúc phải đổi mới về tư duy thể chế. Có như thế chúng ta mới bứt phá, vươn mình được”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo đại biểu Quốc hội, việc dùng một luật sửa nhiều luật là dấu hiệu “không thể ngồi chờ được nữa” và việc luật ban hành chưa lâu phải sửa là chấp nhận công tác lập pháp phải bám sát theo hơi thở cuộc sống.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thay đổi tư duy lập pháp trong kỷ nguyên mới thì hạt nhân của Quốc hội là các đại biểu Quốc hội cũng cần phải được nâng cao chất lượng, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, tầm nhìn trong thảo luận và quyết định chính sách pháp luật. Trong đó, đại biểu hoạt động chuyên trách phải đạt tỷ lệ cao hơn theo luật định” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/lap-phap-theo-sat-hoi-tho-cuoc-song-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-post1143094.vov