Lập sàn giao dịch thịt heo ở TP.HCM: Ý tưởng hay nhưng...
Chuyên gia đánh giá lập sàn giao dịch thịt heo ở TP.HCM là một ý tưởng hay nhưng để thực hiện thì còn nhiều vấn đề cần lưu ý.
Sở Công Thương TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.HCM và sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam (VN) đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo trên địa bàn TP.
Cách thức vận hành sàn giao dịch thịt heo
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa VN, cho biết sàn giao dịch vận hành theo hình thức hợp đồng giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn.
500 triệu USD/năm là quy mô thị trường thịt heo tại TP.HCM. Ước tính mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, thương lái chiếm đến 85% giao dịch, đóng vai trò chi phối giá cả trên thị trường.
Sàn giao dịch triển khai theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, giao dịch chào giá song phương. Đây là bước chuyển hóa bởi tất cả giao dịch trước đây thông qua tin nhắn hay gọi điện thoại cho nhau thì nay chỉ làm việc trên một màn hình giao dịch nên mọi thứ đều minh bạch.
Giai đoạn 2, giao dịch giao ngay, tập trung. Khi đó, hàng hóa được tiêu chuẩn ở mức độ rất cao, người mua và người bán thực hiện các giao dịch này… Đồng thời, việc thanh toán bù trừ với mô hình giao dịch tập trung sẽ là nơi đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán cũng như các hoạt động liên quan đến giao nhận giữa các bên.
Giai đoạn 3, giao dịch kỳ hạn tiêu chuẩn và các hợp đồng quyền chọn. Đây là một trong những hợp đồng đem lại công cụ tài chính giúp các đối tượng tham gia thị trường gồm nhà tiêu thụ, người chăn nuôi có thể phòng vệ giá.
Theo ông Dũng, sàn giao dịch hàng hóa VN có vai trò cung cấp hệ thống giao dịch; chỉ định ngân hàng thanh toán để thực hiện các hoạt động về giao dịch.
Bên cạnh đó sẽ có một đơn vị độc lập thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm soát số lượng, chất lượng hàng hóa; có hệ thống chuyên biệt liên quan đến đảm bảo hệ thống bảo quản, logistics.
Ý tưởng hay nhưng khó thực hiện
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển (người đã bảo vệ thành công đề án thành lập sàn giao dịch hàng hóa VN) cho rằng giao ngay là một bộ phận của giao dịch kỳ hạn.
“Giao dịch kỳ hạn bản chất là nếu người mua ký hợp đồng kỳ hạn, chính là giao ngay nhưng đến ngày đó người bán không giao hoặc đóng trạng thái giao dịch sẽ chuyển sang giao dịch tương lai hoặc giao dịch kỳ hạn” - TS Hiển lý giải.
Theo TS Hiển, hiện các chợ đầu mối ở TP.HCM như Bình Điền, Hóc Môn và một số tỉnh đang làm chức năng sàn giao dịch giao ngay rất tốt. Vì vậy, nếu TP.HCM lập sàn giao dịch thịt heo giao ngay chưa chắc đã năng động như các chợ đầu mối. Thương lái, người chăn nuôi sẽ không lên sàn giao dịch.
Đối với giao dịch kỳ hạn, TS Hiển dẫn chứng cà phê VN có quy mô lớn, xuất khẩu mạnh ra thế giới, giá cà phê VN được giao dịch ở thị trường kỳ hạn trên sàn Liffe của Anh. Việc chuẩn hóa lên sàn giao dịch đối với cà phê tạo ra nhiều thuận lợi.
“Cà phê, tôm… sản xuất tập trung với quy mô lớn và chuẩn hóa cao, nhà xuất khẩu mua số lượng lớn, đấu giá trên sàn còn chưa thành công. Quy mô thị trường TP.HCM tiêu thụ trung bình 10.000 con heo/ngày, nguồn cung không phong phú, khó chuẩn hóa nên chưa đủ nền tảng cho giao dịch giao sau” - TS Hiển nói.
Ngoài ra, nhắc đến sàn giao dịch hàng hóa có nghĩa là phải đấu giá. Tuy nhiên, nguồn cung thịt heo hiện nay nằm trong tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này không có nhu cầu lên sàn giao dịch do họ có chuỗi cung ứng, họ đã quyết định giá, liên kết với các nhà phân phối.
Theo TS Hiển, những người chăn nuôi nhỏ lẻ liệu có nhu cầu giao dịch giao sau không, bởi thực tế hiện nay heo đến kỳ xuất chuồng họ bán cho thương lái và lấy tiền ngay. Vì vậy, ý tưởng rất hay nhưng khả năng lập sàn giao sau đối với thịt heo khó thực hiện.
“Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nguồn thịt heo từ các tỉnh vào TP.HCM tốt hơn, Nhà nước chỉ cần làm tốt hơn công tác quản lý ở các lò mổ, chợ đầu mối, chợ lẻ. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, siêu thị với hệ thống logistics như hiện tại đã phát triển chuỗi cung ứng thịt heo quá tốt” - ông Hiển nhấn mạnh.
Cần có sự phối hợp đồng bộ
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua khảo sát, sở đánh giá được hiệu quả và tính khả thi trong xây dựng sàn giao dịch thịt heo rất cao. Cụ thể, quy mô TP.HCM tiêu thụ trung bình 10.000 con heo/ngày, công tác quản lý an toàn thực phẩm của TP ngày càng được nâng cao khi heo đã truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, nếu quản lý tốt từ khâu đầu vào, trong đó lập được sàn giao dịch thịt heo là cách quản lý tốt nhất vì sàn này quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn cho hàng hóa giao dịch. Chẳng hạn, người bán muốn lên sàn đòi hỏi thịt heo phải trải qua giết mổ công nghiệp.
“Khi sàn giao dịch thịt heo đã có các tiêu chuẩn, quy định và vận hành thì các nhà sản xuất phải tuân thủ. Qua đó giúp cho việc định hướng sản xuất nông nghiệp từ thịt heo và có thể nhân rộng ra các mặt hàng khác. Các nhiệm vụ này nếu làm được sẽ tạo ra hiệu ứng lớn cho xã hội” - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng việc thành lập sàn giao dịch thịt heo là hướng đi đúng, TP.HCM cần triển khai nhanh và cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan.
“Theo phân cấp thì hoạt động chăn nuôi do ngành nông nghiệp quản lý, khâu giao dịch mua bán tiêu thụ do ngành công thương quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban An toàn thực phẩm quản lý… Nếu chỉ một mắt xích chậm đi, chuỗi cung ứng này bị khập khiễng có thể đi vào bài học của các sàn giao dịch trước đây” - ông Hòa lưu ý.
Mỗi ngày có 3.000 con heo chưa được kiểm soát chặt
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết một ngày TP.HCM tiêu thụ 400-500 con bò, 125.000 con gia cầm, 10.000 con heo. Với 50 cơ sở giết mổ công nghiệp, cung cấp cho TP 5.500 con heo/ngày. Đây là lượng heo được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
4.500 con heo còn lại, ngành nông nghiệp TP làm việc với các tỉnh, thành Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo cho TP giải quyết được gần 1.500 con heo.
Tuy nhiên, vẫn còn 3.000 con heo chưa được kiểm soát chặt. Ngành nông nghiệp TP.HCM tiếp tục gắn với các tỉnh, thành xây dựng chuỗi để heo từ các tỉnh, thành về TP.HCM tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ qua các lò giết mổ công nghiệp.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lap-san-giao-dich-thit-heo-o-tphcm-y-tuong-hay-nhung-post747287.html