Lập sàn giao dịch xăng, dầu: Nên thận trọng, kỹ lưỡng

Việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu đang được Chính phủ định hướng nghiên cứu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng, dầu thời gian qua.

Trên cơ sở đó, các ngành có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng để xây dựng, vận hành sàn xăng, dầu có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra, cần nghiên cứu thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện.

Vận chuyển xăng dầu tại Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thanh

Vận chuyển xăng dầu tại Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thanh

Minh bạch, thông thoáng thị trường

Phó Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh thông tin, các quy định pháp luật hiện nay không hạn chế về chủ thể, mục đích tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa. Các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được cho phép giao dịch thí điểm tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam từ tháng 5-2020. Quá trình thực hiện diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là kênh cung cấp thông tin quan trọng đến các cơ quan quản lý.

“Tuy nhiên, quá trình thí điểm chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định. Việc thí điểm đã dừng từ ngày 27-5-2024 do Bộ Công Thương đang sửa một số quy định liên quan đến kinh doanh xăng, dầu và mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.

Giữa tháng 7-2024, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, thành lập sàn giao dịch xăng, dầu, hướng tới mục tiêu minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, bảo đảm cơ chế định giá linh hoạt, cải thiện phân phối, lưu thông... Ngoài những mục tiêu trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sàn giao dịch xăng, dầu được thành lập sẽ giảm tình trạng độc quyền, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, hiện có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng, dầu, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần lớn, khoảng 88%.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Hiếu kỳ vọng, sàn giao dịch xăng, dầu sẽ tạo ra hướng đi mới cho sự phát triển thị trường này. “Sàn giao dịch không thể coi là một giải pháp có thể giải quyết được hết những vấn đề của thị trường xăng, dầu. Những tín hiệu tích cực không thể đến ngay trong một sớm một chiều. Nhưng đây là khởi đầu của quá trình minh bạch, thông thoáng hóa thị trường xăng, dầu, từ đó điều chỉnh các hành vi của các thành phần kinh tế”, ông Ngô Trí Hiếu nhận định.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện

Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh phân tích, việc cho phép doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch xăng, dầu là chủ trương đúng đắn, nên cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, để xây dựng, vận hành sàn có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự đồng thuận của các cấp, ngành và năng lực đáp ứng của doanh nghiệp.

Trước mắt, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam bằng nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá, chứ chưa kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng, dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng lưu ý đến nhiều thách thức khi lập sàn giao dịch xăng, dầu. Trong đó, thách thức đầu tiên và lớn nhất là chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Tiếp đó là cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm ngăn ngừa thao túng thị trường. Tất cả các doanh nghiệp đầu tư phải được đào tạo bài bản, được cung cấp thông tin đầy đủ để tham gia giao dịch.

Phó Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh kiến nghị, việc lập sàn giao dịch xăng, dầu cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, không nên vội vàng, bởi hiện nay yếu tố chiếm cao nhất trong giá thành xăng, dầu, lên đến 65%, là giá thế giới, còn lại là thuế, phí. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng, dầu, còn lại là nhập khẩu.

“Chính sách cần ổn định, tránh điều hành giật cục, cho phép, rồi lại dừng vì lý do chung chung, chủ quan, không đánh giá đúng thực tiễn thị trường...”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh lưu ý.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội GS.TS Hoàng Văn Cường:
Minh bạch hoàn hảo là “trăm người bán, vạn người mua”

Ở trong nước, chúng ta có các sàn giao dịch hàng hóa và đã thực hiện thành công với một số mặt hàng. Bởi vậy, việc hình thành sàn giao dịch xăng, dầu không phải là vấn đề lớn. Câu chuyện cần tính đến là mục tiêu của sàn. Tôi cho rằng, đó là để việc buôn bán diễn ra dễ dàng. Giao dịch qua sàn sẽ tăng tính minh bạch, tăng khả năng thanh khoản cho các nhà cung cấp và khả năng tiếp cận cho nhà phân phối.

Tuy nhiên, sàn giao dịch xăng, dầu thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta cho phép các nhà phân phối có được mua bán tự do hay không. Sàn phải để mọi người tham gia, minh bạch hoàn hảo là “trăm người bán, vạn người mua”. Tôi muốn mua của ai cũng được, muốn bán cho ai cũng được, muốn mua bao nhiêu cũng được, khi đấy sàn mới có ý nghĩa. Từ đó sẽ khuyến khích các đơn vị đầu mối dự trữ xăng, dầu tốt nhất, dù giá xăng, dầu thế giới có biến động nhưng vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Một bước để xây dựng nền kinh tế thị trường

Việc thành lập sàn giao dịch sẽ tạo ra một thị trường lành mạnh, giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai, ở đâu rẻ và thuận tiện thì mua. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu. Không còn theo kiểu “xin - cho”, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở và cũng “đoạn tuyệt” luôn với Quỹ Bình ổn giá.

Việt Nam đã có các sàn giao dịch cafe, gạo, chứng khoán, hàng hóa... rất hiệu quả, mà lại chống thất thu thuế. Nhà nước cũng kiểm soát được giá cả và điều tiết được thị trường, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp cơ quan chức năng quản lý được chất lượng hàng hóa, quản lý được hàng lậu.

Chúng ta đang đề nghị quốc tế công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Muốn được công nhận, chúng ta phải tự hình thành thị trường. Việc thành lập các sàn giao dịch cũng là một bước để xây dựng nền kinh tế thị trường.

Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Xuân Hùng:
Tác dụng lớn nhất là bảo hiểm giá

Thế giới hiện chỉ có 2 sàn giao dịch xăng, dầu tiêu biểu, có khối lượng xăng, dầu, người mua, người bán lớn là sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và sàn giao dịch London (Anh) cho dầu thô Brent. Ngay cả Trung Quốc, thị trường xăng, dầu lớn thứ hai thế giới cũng muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng chưa thành công.

Vậy nếu Việt Nam thành lập sàn giao dịch xăng, dầu thì có hoạt động độc lập được với các sàn của thế giới không? Tôi cho là không. Bởi vì, dù Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Tức là giá trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng của các sàn giao dịch trên thế giới là giao hàng trong tương lai. Một lô hàng được giao dịch trên sàn hôm nay có thể 15, thậm chí 45 ngày sau mới được nhận hàng. Nghĩa là sàn giao dịch xăng, dầu chỉ có tác dụng lớn nhất là bảo hiểm giá cho doanh nghiệp.

Hồng Anh ghi

Bảo Hân - Vĩnh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lap-san-giao-dich-xang-dau-nen-than-trong-ky-luong-674180.html