Lập sàn giao dịch xăng dầu: Nhiều câu hỏi cần trả lời
Trước các bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Tuy vậy, còn hàng loạt câu hỏi cần trả lời cho vấn đề này.
Nhiều thách thức với việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu
Ngày 18.7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng việc lập sàn giao dịch ở Việt Nam về xăng dầu cũng không có gì phải băn khoăn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là tính chất sàn ấy như thế nào?
Theo ông Cường, nếu định tổ chức một sàn giao dịch xăng dầu như các sàn giao dịch xăng dầu thế giới, tức là nó phải có liên thông giữa sản phẩm Việt Nam và thế giới, coi như sàn giao dịch cho thế giới chứ không phải chỉ riêng mấy nhà sản xuất với nhà cung cấp cho Việt Nam thì khi đó thành lập một sàn giao dịch xăng dầu riêng. Còn nếu chỉ để là giúp những nhà nhập khẩu xăng dầu về, những nhà phân phối giao dịch với nhau thì có thể đưa qua các sàn giao dịch hàng hóa.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nếu Việt Nam thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và có những lợi ích, ví dụ như tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro; tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia; giảm độc quyền…
Tuy vậy, ông Long cho rằng khi lập sàn giao dịch xăng dầu vẫn có những thách thức. Đầu tiên là chi phí ban đầu rất lớn. Ví dụ việc lập sàn giao dịch yêu cầu phải có khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, về công nghệ và nhân lực. Điều này có thể là một thách thức rất lớn cho nền kinh tế nếu không có kế hoạch quản lý một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có một cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo các hoạt động không có hiện tượng thao túng thị trường. Thách thức nữa là khả năng tham gia của các đối tượng. Tất cả các doanh nghiệp đầu tư phải đảm bảo được đào tạo bài bản, được cung cấp thông tin đầy đủ để tham gia giao dịch. Đây là yêu cầu rất lớn về nỗ lực tham gia giáo dục và truyền thông.
“Đối với hàng hóa là xăng dầu khi thành lập sàn giao dịch cần rất nhiều thời gian tập trung công sức để nghiên cứu kỹ lưỡng vì mặt hàng xăng dầu có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm nên việc xây dựng sàn rất khó khăn và phức tạp”, ông Long nói.
Theo ông Long, khi đã có sàn giao dịch xăng dầu rồi thì có những câu hỏi đặt ra với Nhà nước là: Thứ nhất, mặt hàng này có chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan Nhà nước theo cơ chế thị trường hay không? Thứ hai, Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu ở mức độ nào? Định kỳ cơ quan Nhà nước phải công bố giá điều hành hay giá trần xăng dầu hay để doanh nghiệp tự quyết định. Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính quản lý giá bán lẻ xăng dầu?
“Nên xây dựng sàn giao dịch xăng dầu riêng hay chúng ta sẽ tổ chức niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa như mô hình của các nước hiện nay đang làm là vấn đề cần xem xét cụ thể”, ông Long nói và cho rằng trước mắt theo ông nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.
Xây dựng sàn để làm gì?
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo chia sẻ: “Thực ra, tôi không hiểu rõ lắm về việc ý định chúng ta xây dựng sàn đấy để làm gì. Nếu xây dựng các sàn như sàn giao dịch ở Singapore, sàn giao dịch ở New York (Mỹ), sàn giao dịch ở EU thì rõ ràng đây là các sàn giao dịch yêu cầu tính liên thông rất cao độ, cũng không khác gì sàn giao dịch vàng bạc. Các sản phẩm ở đó đều phải liên thông, chứ chúng ta không thể xây dựng sàn và có chỉ số giá riêng của xăng dầu được”.
“Việt Nam chưa liên thông được bởi trong cơ cấu giá hình thành giá xăng dầu bán ra còn có vấn đề về thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng, quỹ bình ổn, chi phí định mức,…”, ông Bảo nói.
Theo đó, Việt Nam có sự khác biệt rất lớn nên nếu tạo dựng một sàn để các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, để tạo ra một sàn đấu thầu thì đúng hơn.
“Tôi không hiểu các nhà quản lý mong muốn xây dựng sàn như vậy hay sàn giống quốc tế, sàn có thể kéo tất cả người dân, doanh nghiệp tham gia như sàn chứng khoán thì cái đó càng cần có thời gian”, ông Bảo nêu.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways, cho rằng cần nhìn nhận theo 2 góc độ: Thứ nhất ai tham gia sàn đó, thứ 2 là sàn đó giao dịch những gì? Điểm chung của mấy sàn hoạt động hiệu quả như cà phê, cao su, bất động sản… là những mặt hàng Việt Nam sản xuất rất nhiều và thậm chí xuất khẩu, chi phối khá nhiều thị trường quốc tế. Đối với những mặt hàng như thế, cơ hội thành công của sàn là có thể nhìn thấy.
Còn sàn xăng dầu, theo ông Nam, nếu có thành lập chỉ là thực hiện giao dịch xăng dầu về vật chất. “Tôi không nghĩ các sản phẩm phái sinh giao dịch trên sàn xăng dầu, vì trên thế giới phái sinh xăng dầu chủ yếu trên thị trường tài chính, không giao dịch trên thị trường hàng hóa vật chất. Dầu thô chúng ta tham gia giao dịch quốc tế; còn dầu thành phẩm, nếu sản xuất ở Việt Nam chỉ có ở Dung Quất và Nghi Sơn, còn lại xăng dầu khác chúng ta nhập khẩu của mấy chục doanh nghiệp đầu mối”.
“Với thị trường nhà sản xuất của Việt Nam chỉ có 2, còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài thì có đủ để sàn hoạt động hay không? Cá nhân tôi thực sự chưa hiểu lắm và có những suy nghĩ nhất định. Tôi nghĩ nghị định mới nên tập trung giải quyết tốt việc phái sinh xăng dầu trước, còn chuyện sàn thì phải tính tiếp, xem có cơ hội thành công hay không”, ông Nam nêu.