Lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản phía Nam
Trước tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy nghiêm trọng, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19.
Đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho phía Nam sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.
Theo đó, đã có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa. Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày sẽ có 200.000–210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối.
Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP HCM thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động. Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và 3 miền khó khăn, gây hỗn loạn cho khu vực, Bộ trưởng Diên cho hay.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có giá trị liên vùng vì không chỉ cung cấp cho thành phố mà còn cho các địa phương khác. Song, nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đang thiếu hụt.
Hiện nay, ở nhiều địa phương có tình trạng nông dân không được ra khỏi nhà để sản xuất, thu hoạch nông sản, khiến nguồn cung bị thiếu hụt, giá cả bị đội lên, ông cho hay.
Đại diện nhiều tỉnh thành phía Nam như: Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Nai đều phản ánh tình trạng, khâu vận chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng khiến việc tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch ở nhiều địa phương gặp khó.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang thông tin, hiện một số mặt hàng nông sản đang tăng giá 30-40% do tâm lý tích trữ nhưng giá thu mua trong dân lại không tăng.
Lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, cung ứng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương để cùng nhau xử lý.
"Các địa phương cần có trách nhiệm với TPHCM về việc cung ứng lương thực nhưng TPHCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương nắm thông tin cập nhật nhất có thể, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT cần phối hợp với nhau, đi đến các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.
Theo đó, các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp. Về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp đang sợ rủi ro nên cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
"Hiện nay, do tình hình không như bình thường nên Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình vận hành của thị trường, còn nếu khó khăn hơn nữa thì Nhà nước sẽ phải đảm nhận hết vai trò phân phối, cung ứng cho người dân", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ngay sau cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19.
Tổ công tác này có nhiệm vụ tổ công tác giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Cụ thể, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch Covid-19.
Chỉ đạo sở NN-PTNT các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.
Ngoài ra, Tổ công tác cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.”
Hà Giang
Ảnh: Nhật Thanh