Lát cắt lịch sử qua chân dung một nghệ sĩ jazz lớn của Việt Nam
Dịch giả Hiền Trang chia sẻ 'Chơi Jazz ở Việt Nam' không chỉ nói về jazz hay về Quyền Văn Minh, mà rộng hơn là một lát cắt lịch sử thời chiến tranh và hậu chiến.
Tác phẩm Chơi Jazz Ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và Nhạc Jazz Hà Nội (Stan BH Tan-Tangbau, Quyền Văn Minh) do Hiền Trang dịch là một công trình nghiên cứu đặc biệt về lịch sử của nhạc jazz tại Việt Nam.
Nhà văn, dịch giả Hiền Trang chia sẻ về quá trình dịch sách cũng như cảm nhận về nhân vật chính trong sách - Quyền Văn Minh và nhạc jazz.
Chặng đường dài của jazz để bước lên khán đài chính thống tại Việt Nam
- Được biết chị là một cây bút thường xuyên về âm nhạc trên báo chí, chị cũng từng dịch một cuốn sách âm nhạc khác là "Shout! The Beatles". Cá nhân chị có mối liên hệ thế nào với âm nhạc nói chung và với nhạc jazz nói riêng? Cơ duyên nào đã đưa chị đến với công việc dịch các tác phẩm viết về âm nhạc và nghệ sĩ?
- Có lẽ các anh chị ở Zing.vn trước đây - ZNews bây giờ - không nhớ chuyện này, nhưng bài viết về âm nhạc đầu tiên được xuất bản của tôi là ở trên ZNews đấy. Đó là bài Bob Dylan - Người viết thơ bằng nhạc, lúc đó biên tập viên Xuân Thi còn phụ trách mảng này. Và đêm hôm ấy, biên tập viên Xuân Thi đặt bài ngay sau khi Bob Dylan được nhận giải Nobel văn chương, một mùa Nobel khá gây tranh cãi.
Dù coi sáng tác văn chương là nghề chính, còn viết hay dịch về âm nhạc là một công việc tay trái để được gần với con chữ ngay cả khi không có cảm hứng sáng tác gì, nhưng chính nhờ âm nhạc mà tôi có nhiều mối duyên kỳ ngộ.
Tôi dịch cuốn tiểu sử của The Beatles sang tiếng Việt cũng nhờ một mối duyên, người đưa duyên cho tôi lại là một cộng tác viên mục Xuất bản ở ZNews. Sau đó thực ra còn một tiểu sử nữa về nhóm Wham!, và người mời tôi dịch cuốn sách này sau lại đề cử cho tôi tham gia một chương trình lưu trú sáng tác ở Mỹ.
Âm nhạc đã đãi ngộ tôi quá nhiều. Còn về lý do làm công việc này, thì đơn giản là tôi rất yêu âm nhạc, nên có lẽ viết hay dịch về âm nhạc trở thành điều rất tự nhiên, các sáng tác của tôi cũng thường xuất hiện âm nhạc dày đặc.
- Chị có chia sẻ rằng khi dịch sách "Chơi Jazz ở Việt Nam", bản thân chị đã học tập và chiêm nghiệm được nhiều cái mới. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
- Lần đầu tiên tôi nghe nhạc jazz, tôi cũng không biết đó là nhạc jazz. Tôi chỉ nhớ chị tôi ngày xưa mua rất nhiều đĩa nhạc. Gia đình tôi cũng có một vài chiếc đĩa nhạc của chú Quyền Văn Minh mà bố tôi mang về. Tôi sinh ra trong thời kỳ đất nước đã sung túc. Sự ra đời của các quán cafe, quán bar - pub cũng tạo điều kiện cho jazz trở nên quen thuộc hơn.
Nhưng khi dịch Chơi Jazz ở Việt Nam của tác giả Stan BH. Tan-Tangbau, một nhà nghiên cứu người Singapore và nghệ sĩ Quyền Văn minh, tôi mới nhận ra, à, jazz đi được một chặng đường rất dài để bước lên khán đài chính thống ở Việt Nam.
Nhạc jazz vốn là dòng nhạc du nhập, nhưng Quyền Văn Minh cũng như những thế hệ kế tiếp ông đã tạo nên một nhánh jazz đặc trưng rất riêng của Việt Nam, như nhận xét của tác giả Tan-Tangbau, điều này gợi cảm hứng cho tôi rất nhiều trên tư cách một người viết, chẳng hạn như làm thế nào để tận dụng những kỹ thuật nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, kể chuyện của nước ngoài để kể lại một câu chuyện Việt Nam.
- Đâu là một kỷ niệm đáng nhớ với chị trong quá trình dịch cuốn sách này?
- Kỷ niệm đáng nhớ chắc là những lúc vừa dịch sách, vừa tìm những bản nhạc trong sách để nghe. Cuốn Chơi Jazz ở Việt Nam sử dụng một kỹ thuật đối chiếu rất thú vị, vừa kể song song câu chuyện của Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội, vừa có sự so sánh với một số nền nhạc jazz trong khu vực và trên thế giới có bối cảnh tương đồng, như ở Đông Âu, ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan.
Ai nghe nhiều jazz hiện đại thì có thể đã quen với jazz Nhật hay Đông Âu rồi, nhưng những nền jazz nhỏ hơn thì đó cũng là những mảng âm nhạc rất mới với tôi. Cuốn sách này thực sự đem tới rất nhiều gợi ý, để chúng ta nghe jazz đa dạng hơn, không chỉ có jazz Mỹ hay jazz Tây Âu nữa.
- Điều gì ở tác giả sách và nhân vật trong sách để lại ấn tượng với chị?
- Thành thực là phải khi sách ra rồi tôi mới có dịp trò chuyện sâu với hai tác giả. Tôi có thực hiện một cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Quyền Văn Minh ngay tại quán Bình Minh’s Jazz Club của ông. Sau buổi gặp gỡ ấy, tôi ước gì nếu thời gian quay ngược, tôi có thể sửa một vài đoạn trong sách để đúng với “giọng văn” rất riêng của chú Minh.
Tư liệu ngày hôm ấy, tôi cũng dùng để viết một bài trên một tạp chí điện tử về Đông Nam Á ở Australia, do biên tập viên Quyên Nguyễn đặt bài. Có nhiều điều chú Minh nói mà tôi ấn tượng lắm, nhưng ấn tượng nhất thì chắc là cách chú kể một tích truyện Tam Quốc, để nói rằng mình cũng chơi đàn với tư thế vác quan tài đi trước, luôn sẵn sàng để chết.
Với anh Tan-Tangbau, tôi cũng tham vọng làm một bài phỏng vấn sâu với anh, nhưng tiếc quá tôi đánh mất điện thoại và phần ghi âm cuộc trò chuyện đã mất. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện trong quán cafe ở tòa tháp Hà Nội vẫn để lại nhiều dư âm trong tôi, tôi nhớ đến cách anh so sánh các nghệ sĩ jazz của Việt Nam với những nghệ sĩ jazz trong ban nhạc của Paul Simon.
Paul Simon là một nghệ sĩ đại chúng lớn, tác giả của The Sound of Silence, những năm 1970 khi ông đi lưu diễn, ông đã mời nhiều nghệ sĩ jazz đệm cho mình. Bản thân những nghệ sĩ này cũng rất vĩ đại, nhưng họ chấp nhận đứng sau ánh hào quang. Các nghệ sĩ jazz Việt cũng nhiều người như thế, và Tan-Tangbau muốn kể lại câu chuyện của họ, sau cuốn sách về Quyền Văn Minh.
Lát cắt lịch sử nhìn từ sự ra đời và phát triển của một thể loại âm nhạc
- So sánh công việc dịch các tác phẩm về âm nhạc này và các tác phẩm dịch văn học, chị thấy có những khác biệt như thế nào?
- Cá nhân tôi nhìn Chơi Jazz ở Việt Nam cũng như một tiểu thuyết - tiểu thuyết về cuộc đời một nghệ sĩ lớn. Đợt nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành tiểu thuyết Những kẻ hèn nhát kể về một nhạc sĩ jazz trong bối cảnh Đại Chiến II, họ cũng mời nghệ sĩ Quyền Văn Minh tới chia sẻ đôi điều và chơi nhạc.
Cuốn sách này không chỉ nói về jazz hay về Quyền Văn Minh, mà rộng hơn là một lát cắt lịch sử thời chiến tranh và hậu chiến.
Dịch giả Hiền Trang
Thực sự khi đọc hai cuốn ấy song song với nhau, bạn sẽ thấy có những “motif” tương đồng - những người thanh niên với mộng tưởng về âm nhạc rất trong sáng và đẹp đẽ, đối với họ, âm nhạc chính là cuộc sống và họ sẵn sàng trả mọi giá để được chơi thứ nhạc mà người khác coi là vớ vẩn.
Dù sắp tới chưa dịch sách về âm nhạc thuần túy, nhưng tôi có dịch tiểu thuyết của một tác giả người Pháp gốc Việt cũng là một người cực kỳ yêu âm nhạc, thường xuyên sử dụng các ẩn dụ âm nhạc, và đặc biệt lại có một số đoạn nhỏ nói về Cải Lương. Lại là một thử thách nữa với tôi, vì tôi vốn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, không quá quen nghe Cải Lương, đến khi tìm hiểu mới thấy ồ, đó là một thứ nghệ thuật công phu.
- Chị nghĩ sách "Chơi Jazz ở Việt Nam" có nghĩa ý thế nào với việc nghiên cứu nhạc jazz nói riêng và nghiên cứu âm nhạc tại Việt Nam nói chung?
- Xét cho cùng thì cuốn sách này không chỉ nói về jazz hay về Quyền Văn Minh, mà rộng hơn là một lát cắt lịch sử thời chiến tranh và hậu chiến, nhìn từ góc độ rất đặc thù là sự ra đời và phát triển của một thể loại âm nhạc.
Ở Việt Nam có lẽ còn rất nhiều mảng đề tài vi lịch sử nữa có không gian cho các nhà nghiên cứu khai thác. Chúng ta đã quen với những đại tự sự, nhưng những câu chuyện nhỏ lại cho chúng ta nhiều cách nhìn độc đáo khác. Chẳng hạn, trong số những nhà nghiên cứu âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, có một tác giả là Nguyễn Trương Quý. Tôi rất thích cuốn Thời thanh xuân của âm nhạc ái quốc ra mắt năm ngoái của anh, một cuốn sách rất thú vị khi nhìn cuộc đời của hai nhân vật chính là Lưu Hữu Phước và Văn Cao, và từ đó giải rất nhiều huyền thoại mà ta vẫn đinh ninh trước nay về lịch sử.
- Cuốn sách này có "nặng đô" với bạn đọc phổ thông? Chị có nhắn nhủ gì đến độc giả tiềm năng, những người yêu nhạc và yêu jazz về cuốn sách?
- Trước khi thưởng thức, mọi người có thể nghĩ cuốn sách phải khó đọc, nhưng thật ra không hề. Bạn có thể coi đó là một tiểu thuyết cũng được, chen giữa một vài chương cung cấp cho bạn những kiến thức và thông tin về bối cảnh lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới. Nhạc jazz là thứ âm nhạc rất cởi mở, đó là thứ âm nhạc của sự ngẫu hứng, của những biến tấu cơ mà.
- Chị cảm nhận ra sao về hiện diện của nhạc jazz trong đời sống tinh thần Hà Nội ngày nay?
- Vừa hôm trước, tôi tới một quán jazz nhỏ mới thành lập trên phố Nguyễn Quang Bích. Tôi vô cùng sung sướng khi được nghe một buổi diễn tri ân album Bitches Brew của Miles Davis, một huyền thoại jazz. Phải nói rằng, được nghe một album jazz ra đời trong thời kỳ thịnh trị của rock ‘n’ roll với tiếng guitar điện loang lổ trên các nhạc cụ truyền thống của jazz, ngay trong một góc nhỏ của Hà Nội vào một đêm đầu đông se lạnh là một cảm giác có phần siêu thực.
Và bạn biết gì không? Buổi biểu diễn không hề vắng, cũng không hề chỉ toàn người Tây đi nghe. Có rất nhiều người Việt yêu jazz, và có rất nhiều người trẻ yêu jazz.
Jazz có lẽ không chỉ là một dòng nhạc, jazz là một mã vạch văn hóa cho những người trẻ yêu nghệ thuật ngày nay.
Tất nhiên tôi chưa có một nghiên cứu cụ thể nào để kết luận, nhưng cá nhân tôi để ý thấy, sự nở rộ của jazz ở Việt Nam cũng cùng lúc, không biết ngẫu nhiên hay cố ý, trùng với sự thịnh hành của những Vương Gia Vệ hay Haruki Murakami ở Việt Nam - đó đều là những nghệ sĩ, trí thức, nhà sáng tạo có tính toàn cầu, họ yêu jazz và giới thiệu jazz trong tác phẩm của mình. Jazz có lẽ không chỉ là một dòng nhạc, jazz là một mã vạch văn hóa cho những người trẻ yêu nghệ thuật ngày nay.