Lát cắt về gánh nặng của truyền thống trong đời sống hiện đại
Truyền thống là một dạng ký ức của dân tộc. Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có một hay nhiều dạng truyền thống kể cả khi dân tộc tộc ấy không một tấc đấc cắm dùi, không chốn dung thân.
Giới thiệu những cái nhìn của nghệ sĩ về thế giới truyền thống, ngày 12/12/2019, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam) đã khai mạc triển lãm, giới thiệu 33 tác phẩm mới nhất của hai nghệ sỹ Lã Bá Quân và Nguyễn Thành.
Tương tự như sinh học, luôn có sự tiến hóa để cơ thể vật chất có sự thích nghi với các thay đổi của môi trường sống thì các truyền thống cũng vậy. Nó luôn có sự thay đổi, cái gì không có lợi cho đời sống của chính con người thì sẽ bị xóa bỏ, cái gì có ích thì sẽ được giữ lại. Song song với đó là hình thành các giá trị truyền thống mới cho đời sau.
“Chỉ có chị em chúng ta” Sơn dầu Lã Bá Quân.
Thế nên, có thể nói, phần lớn những dạng thức của truyền thống còn tồn tại tới ngày nay đều là mang đến cho đời sống những giá trị nhất định từ vật chất tới tinh thần. Nói phần lớn là bởi lẽ, vẫn có những điều cũ kĩ, không phù hợp với ngay lúc này, nhưng vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Và chính khái niệm “truyền thống” đã đặt lên vai chúng ta như một gánh nặng vô hình trong tâm thức.
Sẽ rất khó giải thích bằng từ ngữ trong chuyện này bởi “ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy”. Những tưởng ở xã hội ngày nay, khi khoa học tự nhiên cũng như xã hội và nhân văn đã phát triển, thì con người đã được giải phẫu – giải mã ở mọi phương diện, nhưng trên thực tế lại không phải vậy, thậm chí ngược lại, càng ngày người ta càng nhận thấy những tư tưởng duy vật, những khoa học không tiếp cận được những khía cạnh tâm linh rất phức tạp và bí hiểm của con người.
Con người là một thực thể phức hợp bao gồm phần xác và phần hồn (hồn và vía/phách), theo quan niệm dân gian, phần linh hồn là phần tinh thần của con người. Hồn và vía luôn tồn tại cùng thể xác khi người ta còn sống, khi người ta chết thì hồn và vía mới tách khỏi thân thể, có thể nói phần hồn mới là phần quyết định nhân cách con người.
Triển lãm của hai nghệ sỹ Lã Bá Quân và Nguyễn Thành kỳ vọng sẽ giới thiệu được một cách biểu đạt của diễn biến tâm lý về những gánh nặng của giá trị truyền thống trong đời sống hiện tại. Bởi lẽ, người Việt, ai lớn lên đều biết tới câu “hồn xiêu phách lạc”, diễn tả trạng thái mà con người bị mất hết tinh thần và sinh lực do sự sợ hãi, dù nó không được dạy trong bất cứ một trường học nào.
Nói về phần hồn, nhưng họa sỹ Nguyễn Thành lại không thể hiện hồn, vía của các cá nhân mà là của xã hội, chính xác hơn là những trạng thái vô thức tập thể, chúng tác động đến “tâm thức” (mentality) của người Việt hiện nay.
Lần triển lãm này, anh không vẽ mà làm điêu khắc: những tượng bán thân với khuôn mặt vô nhân xưng, vô hồn và gắn ở trên đầu là những đồ vật, những khẩu súng như biểu tượng của chiến tranh; những con rồng, con phượng hay xà gồ ở đình chùa miếu mạo như những biểu tượng bền vững của truyền thống.
Một cách dễ dàng, ai cũng có thể cảm nhận những tác phẩm mới này của anh nói về nỗi ám ảnh chiến tranh của một dân tộc đã từng chịu nhiều đau thương ở nhiều cuộc chiến, hoặc cảm nhận thấy sự trĩu nặng của truyền thống.
“Con rồng cháu tiên”- Tượng composite của Nguyễn Thành.
Điều mà Nguyễn Thành muốn nói ở từng tác phẩm lần này là những câu hỏi hay sự đối thoại với khán giả sau khi xem tác phẩm: Có hay không những trạng thái tinh thần xã hội: “thất hồn”, “hồn xiêu phách lạc”? Tại sao, khi chiến tranh đã lùi xa vài chục năm, mà những trạng thái tinh thần ấy vẫn ám ảnh trong tâm thức của người Việt? Một dân tộc không thể không có truyền thống, nhưng làm thế nào để nó không trở thành lực cản, gánh nặng cho quá trình phát triển xã hội?
Họa sỹ Lã Bá Quân cũng vậy, điều khác biệt chỉ ở chỗ: anh có năng lực để thể hiện những trải nghiệm về trạng thái này của mình thông qua những tác phẩm hội họa.
Dĩ nhiên, không ai có thể nhìn thấy phần hồn vốn vô hình, họa sỹ chỉ có thể nhìn thấy và biểu hiện điều đó thông qua thân xác: Những khuôn mặt, những thân thể ứng với những trạng thái hồn, vía tích cực hay tiêu cực khác nhau.
Giám đốc nghệ thuật Bùi Quang Thắng nhận định: Các tác phẩm của Lã Bá Quân được giới thiệu trong Triển lãm lần này thể hiện một sự đột phá mạo hiểm, có tính chất dấn thân của người nghệ sỹ và thật may, nó đã thành công và thực sự làm nên một Lã Bá Quân khác trước, mới mẻ hơn, có thể đi xa hơn.
Với loạt tranh mới này, Lã Bá Quân đã tạo được thêm một giọng điệu độc đáo cho hội họa đương đại Việt Nam, nó đã tạo được ấn tượng thị giác phức hợp, đó là sự hài hòa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa những năng lượng tích cực và những năng lượng tiêu cực, giữa lý trí và trực giác, giữa trạng thái hưng phấn và sợ hãi...
Triển lãm kéo dài từ ngày 12/12 tới hết 29/12/2019. Thời gian mở cửa buổi sáng từ 9h – 12h, buổi chiều từ 13h30 – 17h hàng ngày, kéo dài suốt tuần, từ thứ 2 tới Chủ nhật.