Lầu Năm Góc: Bắc Cực trở thành khu vực đối đầu chiến lược của Mỹ
Lầu Năm Góc cho biết trong Chiến lược Bắc Cực mới, Bắc Cực trở thành khu vực đối đầu chiến lược của Mỹ.
Lầu Năm Góc cho hay: "Những thay đổi lớn về địa chính trị đang thúc đẩy nhu cầu về cách tiếp cận chiến lược mới này đối với Bắc Cực".
Theo chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ, những thay đổi bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, cũng như những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Chiến lược Bắc Cực mới cũng chỉ ra: "Khu vực ngày càng dễ tiếp cận này đang trở thành địa điểm cho sự cạnh tranh chiến lược và Mỹ phải sẵn sàng ứng phó với thách thức cùng với các đồng minh và đối tác".
Theo chiến lược Bắc Cực, những thay đổi này "báo hiệu một môi trường an ninh Bắc Cực mới, năng động hơn". Chúng cũng "có khả năng thay đổi bức tranh ổn định ở khu vực và nhiều mối đe dọa đối với Bắc Cực".
Chiến lược của Mỹ cũng nhằm duy trì sự ổn định ở khu vực Bắc Cực, nơi Washington hy vọng sẽ bảo vệ được lợi ích quốc gia.
"Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra sự cần thiết tăng cường năng lực ở Bắc Cực, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời tập trận để xây dựng khả năng sẵn sàng cho các hoạt động ứng phó", chiến lược Lầu Năm Góc nêu.
Theo chiến lược Bắc Cực của Lầu Năm Góc, Mỹ cần tăng cường năng lực và đầu tư vào việc chia sẻ thông tin và tình báo với các đồng minh để cải thiện sự hiểu biết về môi trường hoạt động và tăng cường năng lực quản lý rủi ro. Lầu Năm Góc mong đợi sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác, cũng như chính quyền địa phương và ngành công nghiệp, để cung cấp khả năng răn đe tích hợp và tăng cường an ninh chung.
Ngoài ra, chiến lược cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết "tăng cường hiện diện ở Bắc Cực bằng cách huấn luyện độc lập và cùng với các đồng minh và đối tác để chứng minh khả năng tương tác và năng lực chung đáng tin cậy".