Lầu Năm Góc nêu giải pháp gửi vũ khí cho Ukraine bất chấp bế tắc viện trợ
Nhà Trắng thừa nhận sẽ cạn tiền viện trợ cho Ukraine vào cuối năm nay nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ mới. Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà lập pháp đã nêu ra giải pháp để giải quyết vấn đề này trong trường hợp thời hạn không quá chặt chẽ.
Theo hãng tin Bloomberg, chiến thuật này là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của Mỹ và chờ đến khi có đủ ngân sách sẽ mua vũ khí thay thế. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Mỹ vẫn có thể gửi cho Ukraine thiết bị quân sự trị giá 4,6 tỷ USD dựa trên quyền rút vốn của tổng thống (PDA). Tuy nhiên, nước này chỉ có 1 tỷ USD để mua thiết bị mới thay thế.
Gửi thiết bị quân sự cho Ukraine mà không đảm bảo sớm thay thế kho vũ khí trong nước là một chiến lược đầy rủi ro. Một số nhà lập pháp cho rằng vận mệnh Ukraine sẽ không thực sự bị đe dọa nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được đề xuất của Nhà Trắng về nguồn viện trợ mới, trước khi các nhà lập pháp bắt đầu kỳ nghỉ lễ vào cuối tuần.
Thượng nghị sĩ Roger Wicker thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện, một trong những người ủng hộ Ukraine, cho biết: “Sẽ tốt hơn nếu Quốc hội thông qua dự luật trong tháng này vì một số lý do, nhưng chúng ta có thể cố gắng đợi đến tháng sau”.
Yêu cầu về khoản hỗ trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gặp phải làn sóng phản đối từ đảng Cộng hòa. Các thành viên đảng này cho rằng việc thông qua khoản viện trợ đó phải gắn liền với thực thi các biện pháp cứng rắn hơn ở biên giới Mỹ - Mexico.
Quốc hội sắp bắt đầu kỳ nghỉ lễ cuối năm kéo dài hơn 3 tuần và chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Điện Capitol hôm 12/12 đã không thể gây tác động khiến Quốc động hành động ngay lập tức.
Để thể hiện sự hỗ trợ liên tục của chính quyền, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói vũ khí bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine theo thẩm quyền rút vốn được ủy quyền trước đó. Mỹ, nhà viện trợ lớn nhất cho Ukraine, đã cung cấp cho Ukraine hơn 44 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ Nga tấn công Ukraine tháng 2/2022.
Tuy nhiên, ông Mark Cancian, cựu chuyên gia Văn phòng Quản lý và Bảo vệ Ngân sách, cho rằng: “Không có yêu cầu pháp lý nào về việc thay thế thiết bị được gửi đến các đồng minh theo PDA. Về lý thuyết, Bộ Quốc phòng có thể tiếp tục gửi vũ khí và đạn dược ngay cả khi không có tiền để thay thế chúng”.
Ông Cancian cho biết thêm: “Trong khi một số người có thể lập luận rằng rủi ro này đáng được chấp nhận, những người khác mô tả đó là hành động giải trừ vũ khí đơn phương”.
Giới phân tích nhận định viễn cảnh về giải pháp thay thế trong những tuần tới không phải là điều mà Lầu Năm Góc muốn nghĩ tới - ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 11/12, Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks cho rằng Mỹ có thể sẽ kiệt ngân sách vào khoảng cuối năm nay, đồng thời lưu ý rằng việc chuyển vũ khí cho Ukraine có xu hướng làm chậm chi tiêu quân sự của nước này.
Quyết định tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine sẽ buộc Bộ Quốc phòng - đặc biệt là Quân đội Mỹ - phải gánh chịu rủi ro khi kho vũ khí của nước này sẽ không được thay thế hoặc quá trình ký kết hợp đồng và cung cấp vũ khí bổ sung vốn đã kéo dài sẽ bị đình trệ hơn nữa.