Lầu Ngũ Phụng xuống cấp sau khi chi hơn 80 tỷ trùng tu: Đơn vị thi công nói gì?
Đại diện Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (đơn vị thi công) giải thích lý do di tích Lầu Ngũ Phụng (Kinh thành Huế) xuống cấp, sơn son bị đổi màu.
Liên quan đến việc di tích Lầu Ngũ Phụng (Kinh thành Huế) xuống cấp, trả lời PV Báo Điện tử VTC News, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác nhận, thành lập Tổ kiểm tra tình trạng xuống cấp, bạc màu sơn tại lầu Ngũ Phụng. Qua đó, đưa ra phương án, lập dự toán để khắc phục.

Lầu Ngũ Phụng
Nói về lý do khiến các vị trí sơn son trên Lầu Ngũ Phụng đổi, bạc màu, ông Lê Văn Quảng - nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (đơn vị thực hiện hiện thi công trùng tu di tích Lầu Ngũ Phụng) lý giải, trong quá trình trùng tu mỗi khấu kiện gỗ trên Lầu Ngũ Phụng phải được xử lý rất kỹ, bao bọc nhiều lớp, nhiều bước trước khi sơn.
Gỗ trên Lầu Ngũ Phụng được sử dụng sơn quang với nhiệt độ trên 65 độ C. Quá trình sơn quang bắt buộc phải dùng dầu trẩu, một phần dầu trẩu tạo nên độ bóng, đồng thời góp phần giữ cho bề mặt kiện gỗ không bị bung. Tuy nhiên, điểm yếu của dầu trẩu là rất dễ bám bụi.

Sau 4 năm mở cửa đón khách trở lại, di tích Lầu Ngũ Phụng xuất hiện tình trạng xuống cấp, phần sơn trên các khấu kiện gỗ bị bong tróc, bạc màu.

Phương án khắc phục được đưa ra là sẽ dùng giấy ráp "xả" toàn bộ lớp bụi dày trên bề mặt các khấu kiện gỗ được tạo ra do phản ứng của dầu trẩu.
"Sau thời gian lớp bụi có màu đen xám sẽ bám vào rất dễ do phản ứng của dầu trẩu, dẫn đến hiện tượng kiện gỗ có màu bạc, đốm đen. Nếu lau chùi thường xuyên thì sẽ không xảy ra hiện tượng nói trên", ông Lê Văn Quảng khẳng định.
Nguyên Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung cho biết: "Khi kết thúc thực hiện tu bổ, bắt buộc phải có quy trình hàng năm, phải lau chùi như thế nào, kiểm tra cái gì, nứt nẻ phải xử lí thế nào vì công trình bảo hành 2 năm. Khi bàn giao công trình, tôi nói với bên Trung tâm rồi, phải lau chùi thường xuyên.”

Đại diện đơn vị thi công trùng tu lý giải, lý do khiến các khấu kiện gỗ bị bạc màu sơn là do bụi bám phản ứng với dầu trẩu (một thành phần thêm vào trong quá trình sơn quang).
Theo ông Lê Văn Quảng, mặc dù di tích Lầu Ngũ Phụng hoàn thành trùng tu và mở cửa đón khách trở lại vào năm 2021 nhưng thực tế việc sơn son, thếp vàng trên các khấu kiện gỗ của di tích được hoàn thành từ năm 2019, tính đến nay khoảng 6 năm.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thừa nhận, nguyên nhân khiến lớp màu của công trình bị bạc, chủ yếu là do bụi bám nhiều năm, không được lau chùi thường xuyên nên ảnh hưởng đến lớp bên ngoài của các khấu kiện gỗ trên di tích.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, một công trình hoàn thành trong 6 năm, trong quá trình sử dụng, do tác động của thời tiết, khí hậu ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng và bay màu.

Khá nhiều cột gỗ trên Lầu Ngũ Phụng xuất hiện tình trạng bong tróc phần sơn với những mảng khá lớn.
"Sau đợt này chúng tôi sẽ kiểm tra thường xuyên và có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo được chất lượng lâu dài. Đối với các khấu kiện gỗ bị bạc màu chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá, lập dự toán để xử lý. Phương án có thể là sẽ sử dụng giấy ráp để đánh xả lớp bụi dày bám trên gỗ do phản ứng của dầu trẩu. Đối với các vị trí bị bong tróc thì không nhiều, khoảng 100m2 thì chúng tôi sẽ cho sơn, sửa lại", ông Phan Văn Tuấn thông tin.
Theo ông Phan Văn Tuấn, việc lau chùi, sửa chữa sẽ tương đối mất thời gian, do đó Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đánh giá và thực hiện trong thời gian hợp lý nhất để tránh ảnh hưởng đến du khách tham quan.


Ngoài phần gỗ thì hệ thống ngói, gạch men trên di tích Lầu Ngũ Phụng cũng xuất hiện tình trạng bong tróc, xuống cấp.
Ngoài ra, ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, rất nhiều viên ngói, gạch men trên di tích Lầu Ngũ Phụng sau 4 năm mở cửa đón khách trở lại, hiện bị bong tróc phần men bóng bên ngoài. Theo ông Phan Văn Tuấn, phần gạch ngói này do một xí nghiệp thuộc Trung tâm sản xuất. Ông Tuấn cho biết, sẽ cho đánh giá để xác định nguyên nhân khiến hệ thống gạch gói trên xuống cấp, bong tróc phần men bóng bên ngoài.
Trước đó, Báo Điện tử VTC News phản ánh tình trạng xuống cấp nhanh chóng của di tích Lầu Ngũ Phụng sau khoảng 4 năm mở cửa đón khách trở lại. Theo đó, hầu hết khấu kiện gỗ trên di tích xuất hiện tình trạng mốc, ố, bạc hoặc đổi màu, một số vị trí còn bị bong tróc các lớp sơn.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Lầu Ngũ Phụng nằm ở phía trên cửa Ngọ Môn nằm ở mặt Nam của Hoàng thành, phía trước điện Thái Hòa. Dưới thời vua Gia Long nơi đây là đài Nam Khuyết, phía trên là điện Càn Nguyên với hai cửa Tả Đoan và Hữu Đoan. Năm 1833, vua Minh Mạng đổi làm 5 cửa; ở giữa là Ngọ Môn, hai cửa hai bên gọi là tả Giáp môn, hữu Giáp môn, hai cửa Khuyết môn tả, hữu, phía trên xây Lầu Ngũ Phụng.
Trải qua thời kỳ chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng và trải qua nhiều đợt trùng tu, tu bổ lớn. Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tu bổ kiến trúc với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng và chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2012 - 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 - 2019).