Lấy da cánh tay tạo hình lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Từ khối sùi loét rìa lưỡi, người đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư, di căn hạch và phải cắt bỏ một nửa bộ phận này. Bác sĩ đã lấy da tay để tạo hình lưỡi cho người bệnh.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 103, đơn vị này vừa thực hiện thành công kỹ thuật tạo hình khuyết hổng lưỡi gần toàn bộ sau cắt triệt để ung thư lưỡi bằng sử dụng vạt da cánh tay ngoài có nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân T.V.D. (61 tuổi).
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hùng Thắng, Chủ nhiệm khoa Khoa Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Quân y 103, cho biết tháng 12/2022, ông D. phát hiện khối loét sùi vùng rìa lưỡi, không đau, thỉnh thoảng chảy máu. Bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 103 khám và được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa, độ II.
Ngày 1/2, bệnh nhân vào viện vì đau lưỡi, nói nuốt khó, gầy sút cân (4,5kg/1 tháng). Khối u vùng lưỡi - sàn miệng phải có kích thước 4×4,5cm, mật độ chắc, có điểm loét, chảy máu, có hạch di căn.
Ngày 8/2, các bác sĩ đã phẫu thuật, cắt triệt để tổn thương (gồm nửa lưỡi bên tổn thương và sàn miệng), nạo vét hạch cổ. Sau đó, bác sĩ vi phẫu lấy vạt cánh tay ngoài cùng bên để tạo hình tổn khuyết lưỡi sàn miệng. Sau mổ vạt cánh tay ngoài sống tốt, vết mổ liền kỳ đầu.
Một tháng sau mổ, bệnh nhân ăn uống tốt, tăng cân, sẹo mổ liền, không có dấu hiệu tái phát ung thư. Tuy nhiên, bệnh nhân còn nói ngọng, được chuyển sang Trung tâm Ung bướu để tiếp tục điều trị xạ trị.
Theo bác sĩ Thắng, kết quả bước đầu cho thấy sử dụng vạt cánh tay ngoài phù hợp cho tạo hình tổn khuyết lưỡi mức độ lớn ngay cả trong những trường hợp có tổn khuyết sàn miệng hoặc tổ chức xung quanh.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo thêm ung thư lưỡi là bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, chủ yếu do hút thuốc lá và uống rượu. Phẫu thuật và xạ trị là phương pháp điều trị chủ yếu cho ung thư nguyên phát và hạch vùng. Trên lâm sàng, phẫu thuật là phương pháp thường được lựa chọn cho những bệnh nhân chưa có di căn xa.
Tùy theo tình trạng tổn thương tại chỗ phẫu thuật cắt tổn thương bao gồm gần toàn bộ hoặc toàn bộ có kèm theo các tổ chức xung quanh tùy theo mức độ xâm lấn của ung thư. Tuy nhiên, việc phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng nói và nuốt của bệnh nhân. Vì vậy, những trường hợp này đặt ra yêu cầu phải tạo hình lại tổn khuyết lưỡi giúp bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn.