Lấy đà cho 'cú nước rút' nâng hạng
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang là mục tiêu trọng tâm trong năm 2024 - 2025, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Trước mắt, lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi được dựa trên tiêu chí phân hạng của FTSE.
Kỳ vọng
Trong Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024.
Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, 2024 sẽ là năm bản lề cho một chu kỳ tăng trưởng mới đối với thị trường chứng khoán sau giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt trong năm 2023, với sự thay đổi lớn về định hướng. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ.
“Chúng ta đã lỡ hẹn khai trương hệ thống KRX vào năm 2023 thì năm 2024, khi nền tảng công nghệ mới của KRX được vận hành sẽ mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với xu hướng hạ lãi suất trên toàn cầu có thể được kích hoạt, dòng tiền nhiều khả năng tiếp tục dịch chuyển sang thị trường chứng khoán đến đón sóng nâng hạng”, ông Linh nói.
Trước các động thái tích cực liên quan đến cải tổ thị trường, ông Linh dự báo, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Đối với tiêu chí của MSCI, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025, khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace đánh giá, các thông tin liên quan đến việc nâng hạng đã được thị trường ghi nhận vào biến động giá trong thời gian qua, vì đây là thông tin được nhiều bên quan tâm và có sự chuẩn bị trong thời gian dài. Thị trường trong giai đoạn từ tháng 4/2022 đến nay nhìn chung đi ngang tích lũy và đủ sự bình tĩnh để ghi nhận toàn bộ các thông tin cả tiêu cực và tích cực.
Theo ông Tuấn Anh, sau cuộc họp sắp tới vào tháng 3 liên quan đến sự chuẩn bị cho các điều kiện cuối cùng của việc nâng hạng, thị trường có thể kết thúc quá trình đi ngang. Nhiều khả năng, trong nửa sau năm nay, cùng với thông tin phản hồi thuận lợi từ việc nâng hạng, thị trường sẽ khởi động một xu hướng tăng mới, tương tự như lịch sử nâng hạng nhiều thị trường khác trước đây. Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư là các điều kiện nâng hạng sẽ được giải quyết trước khi năm 2024 kết thúc, đồng nghĩa với việc các quỹ ngoại có kinh nghiệm sẽ đẩy mạnh mua vào trong giai đoạn trước khi thị trường được nâng hạng nhằm đón đầu cơ hội. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân (lực lượng chính tham gia thị trường hiện tại) và nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng khó có thể đứng ngoài cơ hội này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, quan sát ở các thị trường tương tự, trước khi được chấp thuận nâng hạng thì diễn biến của thị trường chứng khoán thường có diễn biến tích cực và thu hút được làn sóng đầu tư của các quỹ ngoại. Tuy nhiên, quy mô các quỹ theo FTSE không nhiều so với S&P và MSCI. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ sớm thu hút các quỹ ETF chuyên đầu tư theo tiêu chí FTSE, qua đó giúp thanh khoản gia tăng và tạo tính ổn định cho thị trường khi mà tỷ lệ giao dịch của nhóm tổ chức tăng lên so với các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
“Có một điểm cần lưu ý là kinh nghiệm ở các thị trường khác cho thấy, khi được nâng hạng lên nhóm mới nổi sẽ có áp lực khá lớn trong việc gia tăng tỷ trọng hay giữ tỷ trọng trong nhóm mới nổi. Trong khi đó, điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là có ít các cổ phiếu vốn hóa lớn và mức độ biến động của thị trường lớn. Theo đó, thị trường có nguy cơ bị hạ bậc trở lại nếu rổ hàng hóa cổ phiếu không có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong thời gian tới”, ông Minh nói.
Tiến độ và điều kiện
Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp, chưa thống nhất và việc phải ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức đang là hai vấn đề vướng mắc lớn nhất trong việc đáp ứng điều kiện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, điều kiện cần đầu tiên để thị trường sớm được nâng hạng là có một hệ thống giao dịch mới, giúp nâng cao chất lượng giao dịch, xử lý các vấn đề như nghẽn lệnh, thời gian thanh toán và rủi ro thanh khoản. Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, hệ thống KRX đã bước vào giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng, sẵn sàng đưa vào vận hành trong năm nay.
Thứ hai là cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) hiện đã hoàn tất và có thể triển khai khi hệ thống KRX đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề yêu cầu ký quỹ 100% của nhà đầu tư nước ngoài trước khi giao dịch còn bỏ ngỏ, bên cạnh đó là chưa có sự thống nhất quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp, quy trình đăng ký mở tài khoản chứng khoán phức tạp, đặc biệt đối với nhà đầu tư ngoại, hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn chế, làm giảm khả năng tiếp cận thông tin, luật pháp đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, tháng 9/2024 là kỳ vọng tích cực nhất về thời điểm FTSE sẽ nâng hạng thị trường Việt Nam lên mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) và MSCI sẽ nâng hạng vào năm 2026. Đây là kỳ vọng lớn của thị trường, nhưng cũng là thách thức khi trong thời gian ngắn còn lại phải khắc phục nhiều điều kiện còn thiếu.
“Xét các tiêu chí định lượng, thị trường chứng khoán Việt Nam cơ bản đã đạt gần hết các điều kiện của FTSE, nhưng tiêu chí tỷ lệ ký quỹ chưa đạt, trong khi đây được xem là yếu then chốt cho việc chấp thuận nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của FTSE. Do đó, nếu chúng ta xử lý sớm tiêu chí về tỷ lệ ký quỹ thì khả năng cao là chúng ta sẽ sớm có quyết định nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai của FTSE trong tháng 9/2024”, ông Huy nói.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, với các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán khác như S&P và MSCI thì điều kiện hiện nay vẫn còn cách xa so với điều kiện nâng hạng. Trong đó, nút thắt lớn nhất của điều kiện nâng hạng vẫn là vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, vì phải sửa đổi nhiều luật, bao gồm Luật Doanh nghiệp. Do đó, sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là giải pháp nên sớm tính đến trong năm 2024, nhằm rút ngắn chặng đường đạt được các tiêu chí nâng hạng của S&P và MSCI.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, khả năng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025 (quyết định phân loại Việt Nam vào thị trường mới nổi có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9/2024 - kịch bản tích cực, hoặc tháng 3/2025 - kịch bản cơ sở và sẽ có hiệu lực vào 6 tháng sau đó). Mức vốn hóa free float (cổ phiếu được giao dịch tự do) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt khoảng 35 tỷ USD - bằng 1/4 thị trường Indonesia và Thái Lan, từ đó ước tính tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số FTSE EM vào khoảng 0,7 - 1,0% và FTSE Global là 0,1%. Điều này có thể giúp thị trường Việt Nam ngay lập tức thu hút 1,7 - 2,5 tỷ USD vốn ngoại khi được nâng hạng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lay-da-cho-cu-nuoc-rut-nang-hang-post339875.html