Lấy đất san lấp trái phép: Nhà thầu phải dừng thi công
Trong khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để khai thác mỏ đất, phục vụ cho việc san lấp dự án, thế nhưng Công ty TNHH Định An - đơn vị thi công gói thầu XL02, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn QL45 - Nghi Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn rầm rộ tiến hành khai thác.
Vào cuối tháng 12/2021, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đại diện chính quyền địa phương đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng công trình khai thác mỏ đất san lấp tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu dự án: Khai thác đất làm vật liệu san lấp cung cấp xây lắp đoạn Km349+000 - Km364+410,75, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ trách nhiệm của nhà đầu tư là “Chỉ được khai thác khi hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật”. Quyết định trên cũng nêu rõ: “Giao UBND huyện Như Thanh rà soát, cập nhật dự án vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, trình duyệt theo quy định; chỉ đạo UBND xã Xuân Phúc quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án, đảm bảo không để ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất của nhân dân và kết cấu hạ tầng giao thông”.
Theo đó, doanh nghiệp được chấp thuận là Công ty TNHH Định An (Công ty Định An), có trụ sở chính tại: Biệt thự HUD8, đại lộ Trần Hưng Đạo, tổ 19 phường Pom Hán, TP, Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Người đại diện theo pháp luật công ty này là ông Cao Đăng Hoạt. Ngay sau đó, ngày 10/1/2022, Công ty này cũng đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Quy định của tỉnh Thanh Hóa là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong khi tỉnh Thanh Hóa chưa thu hồi đất trồng rừng của các hộ dân, chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật, đặc biệt chưa được giao đất, cho thuê đất, Công ty Định An đã ngang nhiên cho máy múc, xe tải hạng nặng vào bạt đồi, múc đất chuyển đi. Nhiều đoàn xe trọng tải lớn có dấu hiệu quá khổ, quá tải mang logo Định An chạy ầm ầm ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người dân.
Ngay sau phản ánh từ nhân dân, ngày 8/3, UBND huyện Như Thanh đã có văn bản số 492 yêu cầu dừng việc khai thác đất thi công đường vận chuyển khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.
Lý giải sự việc trên, ông Cao Văn Hóa - chỉ huy trưởng gói thầu XL2 cho biết: Đại diện phía Công ty Định An xác nhận việc đơn vị chưa hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan. Với đặc thù là vùng đất yếu, thời gian gia tải là 9 tháng, như vậy tổng thời gian hoàn thành là 24 tháng, thì thực tế thi công chỉ còn 15 tháng. Trước tính cấp bách, đặc thù của việc đưa đất sớm vào khai thác phục vụ thi công cao tốc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính Phủ.
“Chúng tôi buộc phải dừng mọi hoạt động thi công theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Sau khi dừng hoạt động toàn tuyến nguy cơ chậm tiến độ của dự án là rất cao”, ông Hóa lo lắng.
Cũng theo ông Hóa, đây là dự án trọng điểm Quốc gia, ông mong muốn cần phải có cơ chế linh động hơn trong việc triển khai các thủ tục hành chính. Về bản chất, theo ông Hóa, đơn vị đã có các thủ tục về cơ bản liên quan đến cấp giấy phép khoáng sản, thủ tục thu hồi đất, đền bù… Việc dừng hoạt động toàn tuyến đã khiến cho hàng trăm công nhân lao động và các phương tiện máy móc phải nằm chờ, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, còn gây ra những tổn thất về kinh tế, gây ra những khó khăn nhất định của phía công ty.
Được biết, ngay sau khi dự án dừng hoạt động, ngày 18/3, UBND tỉnh Thanh Hóa mới chính thức đăng thông tin công khai về việc Quyết định thu hồi 177.000 m2 đất rừng trồng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh (trước đây là Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ quản lý) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất tại Quyết định số 4056 ngày 12/11/2009 với diện tích 90.000m2 (khu vực 1) và 87.000m2 (khu vực 2). Huyện Như Thanh sẽ tổ chức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm thực hiện dự án Xây dựng công trình khai thác mỏ đất san lấp tại xã Xuân Phúc (trước đây là xã Phúc Đường), huyện Như Thanh.
Ðộng thái này cho thấy, tỉnh Thanh Hóa đang tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ở đây cụ thể là trong việc cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về pháp luật cũng như các chế tài của địa phương ban hành trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường.
Dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng bằng vốn Ngân sách nhà nước. Gói thầu XL02 xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 - Km364+410,75, nhà thầu trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Licogi16 - Công ty TNHH Định An - Công ty cổ phần 471 với giá trị trúng thầu là hơn 1.193 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 718 ngày.