Lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm: Đề nghị lấy ý kiến rộng rãi nhân dân
Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về đề xuất thêm ngày nghỉ lễ trong năm.
Sáng 29/5, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội vừa có báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
"Về bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ, loại ý kiến thứ nhất ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 02/5 đến 01/9 và đề nghị lấy Ngày Gia đình Việt Nam (Ngày 28 tháng 6 dương lịch) làm ngày nghỉ lễ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách.
Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này", bà Thúy Anh nói.
Về thời gian nghỉ Tết âm lịch (Điều 113) và thời gian làm việc của cơ quan hành chính (Khoản 4 Điều 106), Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội thấy rằng, các vấn đề này đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, do đó, đề nghị kế thừa quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi với đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch nếu trùng ngày nghỉ hàng tuần sẽ không được nghỉ bù, và thêm 1 ngày nghỉ Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).
Theo đó, đề xuất ngày nghỉ lễ tết trong năm là phần khá mới được đưa vào bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH.
Cụ thể, về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, có ý kiến về nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam dài hơn các nước trong khu vực, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.
Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nhưng nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với Phương án 1 (vẫn như quy định hiện hành).
Theo quy định hiện hành, nếu Tết Âm lịch trung ngày nghỉ hàng tuần người lao động được nghỉ bù ở các ngày làm việc tếp theo, như Tết Âm lịch 2019, do được nghỉ bù nên người la động được nghỉ 9 ngày liên tục.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ hàng năm, đó là nghỉ 1 ngày vào Ngày Thương binh, liệt sĩ (ngày 27/7). Đây là đề xuất dựa trên một số ý kiến cho rằng cần bổ sung ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, để nhân dân có những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước.
Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27/7 dương lịch) là phù hợp. Ngoài về tri ân người có công, hiện số ngày nghỉ lễ, tết trong 1 năm của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, như: Campuchia nghỉ 28 ngày/năm; Brunei 15 ngày/năm; Indonesia 16 ngày; Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippine 12 ngày, Singapore 11 ngày; Thái Lan 16 ngày… Trong khi hiện Việt Nam chỉ 10 ngày/năm…