Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Để phòng, chống dịch Covid-19, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, ngành Tư pháp xác định triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong năm 2021. Qua đó, khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp tại bộ phận “một cửa” quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đỗ Tâm

Đăng ký giao dịch nhanh, gọn

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Tạ Thành Trung cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ cơ quan bộ và cơ quan tư pháp địa phương như: Lý lịch tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, công chứng, đấu giá, trợ giúp pháp lý... và khuyến khích sử dụng dịch vụ trực tuyến. Qua thực hiện cho thấy, các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên, đồng thời có tần suất thực hiện lớn.

Hiện nay, đăng ký khai sinh trực tuyến cho trẻ rất thuận lợi và đã triển khai tới 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công ở cấp độ 4. Để nhiều người dân biết đến dịch vụ này, đồng thời ngăn ngừa dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đề nghị các tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến thông qua website https://dktruc tuyen.moj.gov.vn thay cho việc sử dụng phương thức đăng ký trực tiếp như hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Minh (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) là một trong những người tiên phong sử dụng dịch vụ cho biết, thủ tục đăng ký trực tuyến rất nhanh gọn, tiết kiệm nhiều thời gian cho anh.

Tương tự, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin. Với mong muốn thực hiện thống nhất, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cũng có hướng dẫn gửi các sở tư pháp về quy trình đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ điện tử, giải pháp bảo đảm bí mật đời tư cá nhân và yêu cầu về tính xác thực thông tin của người yêu cầu cấp phiếu.

Tiếp tục nâng chất lượng phục vụ

Trên cơ sở định hướng của Bộ Tư pháp, nhiều sở tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn, khuyến khích sử dụng dịch vụ qua kênh bưu chính và trực tuyến. Tại tỉnh Hải Dương, nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã dừng hoạt động nhưng với những hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh… đã tiếp nhận, đến thời hạn trả kết quả cho người dân đều được trả trực tuyến (online) hoặc qua bưu điện. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh Hải Dương hoặc dịch vụ bưu chính công ích để nộp hồ sơ nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc nơi đông người, từ đó, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Tư pháp Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính đến với người dân, giúp họ hiểu rõ, dễ tiếp cận và sử dụng thường xuyên các tiện ích dịch vụ công trực tuyến. Song song đó, từ ngày 27-3-2020, 71 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp trên địa bàn thành phố đã chính thức được đưa vào vận hành. Đây là những dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, xã được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, nhiều thủ tục hành chính thiết thực liên quan đến đời sống người dân như: Đăng ký lại khai tử; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký lại việc nuôi con nuôi; sửa lỗi sai sót trong hợp đồng giao dịch; chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận…

Để công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp ngày càng thực chất, hiệu quả, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, các đơn vị, mà trực tiếp là người đứng đầu cần tiếp tục rà soát lại việc thực hiện các chỉ tiêu cải cách; trong đó, việc xác định chỉ tiêu không còn là định tính mà phải là các con số định lượng cụ thể, rõ ràng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó tập trung lựa chọn những thủ tục có đối tượng chịu sự tác động lớn, những vấn đề "nóng" có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, kiên trì mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ…

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/992606/lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-lam-trung-tam