'Lây nhiễm HIV khi đi làm móng' hay 'kim tiêm ở rạp chiếu phim': Nên hiểu thế nào cho đúng?
Dạo gần đây có nhiều trường hợp được kể trên các diễn đàn và các mạng xã hội về nguy cơ nhiễm HIV mà không ngờ tới. Sự việc này nên hiểu đúng như thế nào?
1. Thông tin chung về virus HIV
HIV là từ viết tắt của Human Immunodeficiency Virus. Chủng virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1981, với các ca bệnh ban đầu ở những người sử dụng ma túy và đồng tính nam. Biểu hiện bệnh là triệu chứng suy giảm miễn dịch không rõ và bị bệnh rất nặng của viêm phổi do Pneumocystis, một loại nhiễm trùng rất hiếm gặp ở những người có hệ thống miễn dịch bình thường.
Tại Việt Nam, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Tác giả bài viết
Bác sĩ khoa Ngoại - Phòng khám Đa Khoa Quốc tế Yersin, TP HCM
Kinh nghiệm làm việc:
2015 - 1/2016: Bác sĩ phòng khám Đa khoa Minh Quang, Biên Hòa.
1/2016 - 10/2018: Bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành.
10/2018 - 10/2019: Lớp Sơ bộ Ngoại tổng quát - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
2. Đường lây nhiễm của HIV
HIV chỉ lây nhiễm qua con đường dịch tiết. Tức là tất cả những gì có vết thương hở, niêm mạc không được bảo vệ mà tiếp xúc với dịch tiết có chứa virus HIV đều có nguy cơ bị lây nhiễm.
Ví dụ: tiêm chích ma túy (dùng chung kim tiêm hay bơm, tiêm thuốc từ một dụng cụ y tế sử dụng chung hay từ một ống thuốc sử dụng chung), truyền máu, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, ghép tạng…
Vậy nói một cách đơn giản, việc tiếp xúc bất kì với yếu tố nào có liên quan đến dịch tiết của người khác chưa rõ đều có nguy cơ nhiễm virus từ họ.
3. Những tin đồn gần đây
Tại sao lại là tin đồn? Vì những tin này thực sự rất khó kiểm chứng.
⁃ Thứ nhất, theo quy định của Bộ Y Tế, thông tin người bệnh nhiễm HIV được bảo mật. Vậy nên bạn không thể kiểm chứng thông tin trên bài viết trên các mạng xã hội, trừ khi họ tự để lộ ra hoặc tự nhận các thông tin y tế về mình.
⁃ Thứ hai, môi trường không gian mạng rất đa dạng, và những thông tin hay bài viết được đưa ra rất lan man và khó xác thực.
• Chuyện ghế ở rạp phim có HIV?
Câu chuyện này được kể từ những năm 2015 và thỉnh thoảng lại thịnh hành tùy từng đợt. Nội dung xoay quanh một người, ngồi vào ghế rạp chiếu phim và thấy đau. Khi đứng dậy phát hiện một kim tiêm cùng dòng chữ: tôi bị HIV, chào mừng bạn đến với cộng đồng HIV.
Chưa kể chuyện này có thật hay không nhưng một thời gian cũng gây xôn xao trong cộng đồng. Một số bạn trẻ ngày nay vẫn giữ thói quen kéo ghế xuống, sờ sờ rồi mới ngồi.
Tôi nhiều lần đi xem phim ở rạp cũng thấy điều đấy và đôi khi tự hỏi, các bạn đang làm điều vô ích gì vậy? Nhưng nếu để các bạn yên tâm ngồi xem phim thì được thôi.
Thực tế: khi một nhóm khách xong bộ phim, rạp đều mở đèn và dọn dẹp sạch sẽ. Đến mức một hạt bắp còn không thấy huống hồ là một tờ giấy gắn ở ghế. Tuy nhiên, vì có những tin đồn như vậy nên một số rạp đều trang bị máy hút cực mạnh đến mức con kiến cũng không có.
Mà một việc quan trọng: các bạn dùng cái gì để rờ trên ghế? Tay trần đúng không? Vậy theo logic, nếu chuyện đó có thật, bạn sờ sờ như vậy không lẽ không có nguy cơ? Nên các bạn làm như vậy chủ yếu là an tâm về niềm tin chứ không giúp các bạn phòng tránh.
• Câu chuyện về làm móng nhiễm HIV
Câu chuyện này cũng không phải mới. Câu chuyện này được kể từ khoảng mười năm trước nhưng ban đầu được đăng trên group viết truyện nên cũng ít tính xác thực. Câu chuyện được kể với nhiều biến khác nhau nhưng chung quy xảy ra tại quận 5, một phụ nữ làm móng từ một người làm dạo, sau đó 1 tháng thấy sức khỏe yếu dần, đi kiểm tra thì phát hiện bị nhiễm HIV. Do tính chất câu chuyện nên có nhiều điểm nếu nhìn về mặt khoa học sẽ đặt nhiều nghi vấn. Về thời gian, nếu 1 tháng, từ phơi nhiễm khó có thể dẫn đến suy yếu miễn dịch thấy được để đi xét nghiệm. Vấn đề thứ hai là việc làm móng dạo hay thậm chí tại tiệm có thể lây truyền hay không?
Khi làm móng tay móng chân, dụng cụ cắt móng sắt nhọn, đủ để cắt móng tay. Nhưng thường các chị em đâu có cắt móng không, đúng không? Thợ làm móng sẽ cắt phần da thừa ở đầu ngón lộ ra sau khi cắt móng đi. Sau đó là cắt tỉa phần khóe cho sạch sẽ đẹp đẽ. Chính lúc cắt khóe đó có thể vô tình cắt sâu vào thịt gây chảy máu. Và nhìn kĩ ở phần trên bài viết, cũng đề cập đến vấn đề này. Khi tiếp xúc máu- dịch tiết thì có nguy cơ. Và xảy ra khi cây kiềm đó vừa vặn vừa cắt lấy khóe cho người trước đó tương tự. Như đã đề cập, nguy cơ lây nhiễm là có.
Một câu chuyện tương tự là cắt tóc. Lúc cạo da mặt và phần tóc non cho gọn, dùng chung lưỡi lam và vô tình gây lây nhiễm…
Khả năng lây nhiễm là có. Nhưng để lây nhiễm HIV cũng cực kì khó vì tỉ suất lây nhiễm HIV thấp hơn so với các virus khác cũng lây qua dịch tiết, như virus viêm gan B, C hay herpes simples, HPV. Để lây truyền HIV cần nhiều yếu tố:
⁃ Yếu tố vết thương niêm mạc hở (cửa ngõ): để lây nhiễm được cần phải có vết thương sâu qua lớp da, tới tận lớp dưới da để xâm nhập và mạch máu hoặc vào hệ đệm bạch cầu dưới da.
⁃ Yếu tố nồng độ: nồng độ virus trong máu phải cao, đủ để gây nhiễm bệnh. Virus HIV chỉ sinh trưởng trong tế bào lympho T. Vật chứa gây lây nhiễm phải có tế bào lympho T thì virus HIV mới có cơ hội tồn tại lâu. Nếu không chứa tế bào này thì ở ngoại cảnh môi trường, virus nhanh chóng bị chết đi.
⁃ Yếu tố vật chủ mới: chỗ lây nhiễm có đủ lượng virus và chúng phải thoát được hệ thống cơ thể, đi đến được tế bào lympho T để gây nhiễm thì mới có cơ hội.
4. Vậy nếu bạn lỡ chẳng may bị nhiễm? (Do trường hợp bạn cũng không hề biết)
⁃ Bạn cũng cần đối mặt với tình trạng sức khỏe của mình.
⁃ Bạn cần đến trung tâm y tế dự phòng để được xét nghiệm và chẩn đoán.
⁃ Nếu chẳng may bạn bị lây nhiễm, bạn sẽ được hỗ trợ. Thông tin của bạn sẽ được bảo mật. Đồng thời bạn sẽ được dùng thuốc kháng HIV để giảm tải lượng virus, phòng tránh tình trạng suy giảm miễn dịch. Đồng thời các nhân viên y tế cũng sẽ giúp đỡ bạn hòa nhập cuộc sống.
Đối với những câu chuyện chưa được xác thực trên MXH, bạn có thể đọc. Tuy nhiên cần dùng lý trí để phân tích. Tốt nhất bạn cần hỏi một nhân viên y tế để được tư vấn, chuyện này có khả năng không? Đôi khi những câu chuyện chỉ hoàn toàn đến từ suy nghĩ và tưởng tượng của người viết, có thể vô tình gây hoang mang dư luận hay ảnh hưởng đến cả một ngành.