Lấy nông dân là trung tâm và động lực phát triển
'Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong cuộc chiến đầy khó khăn này. Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ giành được thắng lợi vẻ vang', đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề 'Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp' vào chiều 14/5. Phía đầu cầu Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng Internet tăng đáng kể với khoảng 77%, trong số này có đến 91% lên mạng hằng ngày. Hiện nay, kinh tế số của Việt Nam cũng đang được xếp hạng cao so với các nước khác trong khu vực. Tiêu biểu như chỉ số thuận lợi kinh doanh đứng thứ 3, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu đứng thứ 1, chỉ số đổi mới toàn cầu đứng thứ 3…
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu điện tử của cả nước đang tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu vào năm 2018 kim ngạch xuất khẩu điện tử cả nước chỉ 8 tỷ USD thì đến năm 2020 là 11 tỷ USD và đến hết năm 2023, con số này đã tăng lên trên 20,5 tỷ USD. Đặc biệt, tỷ trọng kinh tế số hiện nay chiếm 16,5% GDP…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định: “Chuyển đổi số không phải là quá xa xôi mà rất giản đơn, đời thường, ai cũng có thể làm được…”.
“Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp rất kỹ. Sau đề án sẽ là kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể. Khi có đề án chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến tích cực. Trước tiên, để chuyển đổi số phải có kiến trúc dữ liệu và kiến trúc này đã được Bộ Xây dựng dự kiến ban hành vào quý III tới. Nông nghiệp là ngành rất rộng, trải dài nên trong triển khai đề án thời gian tới sẽ chọn một số lĩnh vực để triển khai, từ đó sẽ nhân rộng ra”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nông nghiệp vẫn là một trong 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tổng sản phẩm GRDP của ngành chiếm hơn 32% với khoảng 14.700 tỷ đồng. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực như tổng sản lượng thủy sản trên 600.000 tấn. Tổng sản lượng lúa bình quân cũng trên 549.000 tấn… Theo đó, công tác chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp thời gian cũng đã được quan tâm và triển khai trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như ứng dụng các phần mềm quản lý tàu cá, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đối với cây lúa, thời gian qua tỉnh cũng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa sạch, xây dựng vùng rau sản xuất an toàn, rau theo hướng VietGAP, vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND Lê Văn Sử cho biết, nền tảng số hóa của ngành nông nghiệp tỉnh có từ rất sớm nhưng dữ liệu ít nên lượng người tham gia truy cập không nhiều. Do đó, Văn phòng UBND tỉnh kết hợp với Sở Thông tin - Truyền thông kiểm tra lại, xác định nhiệm vụ của từng đơn vị và địa phương cũng như học hỏi kinh nghiệm các tỉnh bạn để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền liên quan đến các dữ liệu về làng số. Kiểm tra lại nhiệm vụ số hóa, thực hiện phần mềm số hóa của ngành, nhất là mã số vùng trồng, vùng nuôi để sớm có những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số của ngành nông nghiệp hiện nay. Cụ thể, hạ tầng số, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số; hiện chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức luật,…
Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp là ngành với trung tâm là nông dân. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã làm được rất nhiều việc, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên, có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp, nhất là đối với an ninh lương thực. Tuy nhiên, cải cách hành chính, số hóa và nhân lực trong thực hiện số hóa nông nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần cải cách thủ tục hành chính và đối với nông dân thì lại càng phải đơn giản hơn. Hợp nhất để có thông tin dữ liệu nông nghiệp thống nhất theo đúng lộ trình. Phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành một cách đầy đủ và có sự kết nối tốt với nhau, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lay-nong-dan-la-trung-tam-va-dong-luc-phat-trien-a32544.html