Lấy phiếu tín nhiệm: Công tâm, khách quan, chính xác
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 102/2023/QH15 xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 25-10, với đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, QH đã thông qua, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 102/2023/QH15 về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Tự soi, tự sửa
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết sau hơn 1 ngày làm việc, trong không khí dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15. "Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm…" - Chủ tịch QH đánh giá.
Trao đổi với phóng viên sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH, cho biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện sự công tâm, khách quan và trách nhiệm của các ĐBQH trong việc ghi phiếu, đánh giá sát thực tế với từng nhân sự, phản ánh đúng thực trạng của đời sống kinh tế - xã hội, giúp cho người được lấy phiếu thấy được kết quả để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu tốt hơn nữa.
Theo bà Tạ Thị Yên, điều đáng mừng là tất cả nhân sự được lấy phiếu đều có kết quả ở mức "an toàn". Một số ngành như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch, y tế, giao thông vận tải... trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây. Hầu hết "tư lệnh" ngành đều mới và là lần đầu tiên nắm giữ các trọng trách nên cần có thêm thời gian để thử thách, kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa các vị trí này.
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để những người được lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt là người có nhiều số "phiếu tín nhiệm thấp" nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhìn lại lĩnh vực mình phụ trách có những tồn tại, hạn chế gì để nỗ lực hơn trong thời gian tới.
ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết ông rất vinh dự khi lần đầu được bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. "Cá nhân tôi cũng như các ĐBQH, đã đánh giá rất công tâm, khách quan và cũng rất sát với những lĩnh vực, nội dung mà Nghị quyết số 96/2023/QH15 và pháp luật yêu cầu". Theo ông An, việc đánh giá của các ĐBQH không chỉ thông qua những báo cáo kết quả công tác của các vị được lấy phiếu, mà còn qua rất nhiều kênh, đặc biệt là qua nghiên cứu, tìm hiểu của từng đại biểu.
Căn cước gắn chip có bị theo dõi?
Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân theo đề nghị của Chính phủ. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nhất trí với đa số ý kiến đại biểu tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.
Phát biểu thảo luận, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Bộ Công an giải thích thêm vì nhiều người dân lo ngại thẻ căn cước có gắn chip, thẻ căn cước điện tử, khi mang theo người, đi đến đâu thì Bộ Công an hay công an có theo dõi hay không?
Trước ý kiến băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này. Bộ Công an phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào; bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp. "Đây là điều chúng tôi khẳng định. Thông tin trên có thể do những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Hôm nay (26-10), QH nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của QH về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
4 lần lấy phiếu tín nhiệm
Tính đến nay, QH đã 4 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn (năm 2013, 2014, 2018, 2023). Lần đầu tiên là năm 2013, QH lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh; năm 2014, QH lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh; năm 2018, QH lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh và tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, QH lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn
(3 mức lấy phiếu tín nhiệm từ trái qua gồm: Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp)
1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: 410 - 65 - 6
2. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: 437 - 32 - 11
3. Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn: 414 - 63 - 4
4. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định: 392 - 85 - 3
5. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải: 391 - 87 - 2
6. Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương: 426 - 49 - 3
7. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: 373 - 93 - 14
8. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình: 312 - 154 - 15
9. Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường: 396 - 80 - 5
10. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: 367 - 106 - 8
11. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm: 352 - 116 - 12
12. Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy: 375 - 101 - 4
13. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: 354 - 83 - 5
14. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: 365 - 73 - 4
15. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: 381 - 55 - 5
16. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới: 361 - 77 - 2
17. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: 365 - 73 - 3
18. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: 346 - 84 - 12
19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: 373 - 90 - 17
20. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: 384 - 90 - 6
21. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: 229 - 189 - 61
22. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung: 279 - 164 - 35
23. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 312 - 142 - 26
24. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: 187 - 222 - 71
25. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang: 448 - 29 - 4
26. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: 316 - 148 - 17
27. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: 308 - 143 - 30
28. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: 262 - 167 - 52
29. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: 219 - 200 - 62
30. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: 239 - 186 - 54
31. Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm: 329 - 109 - 43
32. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: 260 - 185 - 36
33. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: 371 - 102 - 7
34. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: 306 - 152 - 19
35. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: 263 - 195 - 22
36. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: 334 - 119 - 24
37. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: 241 - 166 - 72
38. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: 370 - 102 - 8
39. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn: 328 - 137 - 14
40. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng: 237 - 197 - 45
41. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: 353 - 110 - 17
42. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình: 311 - 142 - 28
43. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí: 337 - 130 - 11
44. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: 292 - 173 - 14