Lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để cán bộ tự soi lại mình
Theo các đại biểu Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm cần đánh giá một cách khách quan và là cơ hội để các cán bộ tự soi lại mình.
Cơ hội để cán bộ tự soi lại mình
Chiều nay (30/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014.
Trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để đánh giá, nhận xét kỹ, rõ ràng đối với những chức danh mà đầu nhiệm kỳ, mình đã bầu ra một cách công tâm.
“
Một trong những nội dung đổi mới của lấy phiếu tín nhiệm lần này đó là cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì phải xem xét cho thôi không còn giữ chức vụ đó hoặc động viên, khuyến khích họ tự giác thôi giữ chức vụ.
"Qua công tác của những cán bộ và qua giám sát của Quốc hội, những nhận xét của các ĐBQH phải khách quan, không được vì một lý do nào đó mà đánh giá thấp đồng chí A, đồng chí B, không vì lý do vị tình, vị kỷ mà đánh giá cao những cán bộ làm công việc chưa đạt hiệu quả", ông Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, đây còn là cơ hội để cán bộ tự soi lại mình. Nếu cán bộ có số phiếu tín nhiệm cao chứng tỏ thời gian qua mình đã làm tốt, họ phải suy nghĩ làm sao để làm tốt hơn nữa thời gian tới.
Ngược lại, các cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp, cần xem lại tại sao mình chưa được Quốc hội tín nhiệm cao. Ngay cả với những cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp, dù chưa đến mức Quốc hội biểu quyết thông qua cho thôi chức vụ nhưng họ cũng cần phải soi lại mình, sửa chữa những việc mình làm chưa tốt.
"Lấy phiếu tín nhiệm là việc cần thiết để việc lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tốt hơn, đây còn là cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ", ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của nhiều người về quy định mới trong lấy phiếu tín nhiệm là xem xét tiêu chí gương mẫu của vợ, chồng, con, ông Hòa cho rằng phải có những căn cứ mang tính định lượng để đại biểu dựa vào đó làm cơ sở đánh giá, nhận xét chính xác, khách quan. Quy định đưa ra không thể chung chung được, rất khó thực hiện.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa để đánh giá công tâm, khách quan
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, Quốc hội nghiên cứu sửa Nghị quyết 85 để có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, chặt chẽ cho công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND là cần thiết.
Bởi trong quá trình khiển khai Nghị quyết số 85 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời. Cụ thể, trước đây chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Hay biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.
Ông An cho biết, ĐBQH đánh giá cao Quy định số 96 của Bộ Chính trị với nhiều điểm mới cho thấy sự quyết liệt, trực tiếp của lấy phiếu tín nhiệm đối với đánh giá cán bộ, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo sự lan tỏa, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII tại hội nghị giữa nhiệm kỳ vừa qua.
Theo ông An, việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 là sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, từ đó sẽ giúp đại biểu có thông tin đầy đủ nhằm đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tránh ý kiến cho rằng thiếu khách quan, cảm tính.
"Đánh giá công tâm, khách quan, đầy đủ, toàn diện mà không có ai rơi vào "vùng nguy hiểm" thì tốt. Giả sử vị trí nào có nhiều "tín nhiệm thấp" thì cũng là đánh giá sát sao của Quốc hội", ông An nhìn nhận.