Lấy tình thương cảm hóa người lầm lỗi

Công an và cán bộ xã Hòa Tân Tây thăm hỏi người được cảm hóa, giáo dục tiến bộ. Ảnh: DƯƠNG TRÍ

Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) và có nguy cơ phát sinh tội phạm (PSTP) trở thành những người có ích cho xã hội là một việc làm ý nghĩa, thể hiện tính nhân đạo của dân tộc ta từ ngàn xưa và đây cũng là biện pháp phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

Với tình thương, trách nhiệm, gần 3 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Tây Hòa đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả giúp cảm hóa, giáo dục thành công nhiều đối tượng.

Thấy sai để… làm đúng

Đến bây giờ, nhiều lúc thư thả sau những bận rộn của công việc, anh Tr.T.S (SN 1988, thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây) ngồi ngẫm lại cuộc đời mà thấy bản thân may mắn vì đã được địa phương và gia đình gần gũi, quan tâm, động viên đúng vào lúc tâm lý anh bất ổn nhất. Năm 2013, trong một phút bồng bột, anh đã cố ý đánh người gây thương tích, bị chính quyền địa phương phạt hành chính và đưa vào diện cảm hóa. Các tổ chức đoàn thể, Công an xã thường xuyên đến nhà, gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, khuyên giải anh S, nhờ đó, anh nhận thức đúng được vấn đề, kiềm chế bản thân theo hướng tích cực, chí thú làm ăn. Anh S chia sẻ: “Nhờ sự cảm hóa, tuyên truyền của chính quyền địa phương mà tôi đã thấy được hành vi sai trái của mình. Sau lần đó, tôi cố gắng làm việc, hòa nhã trong cách ứng xử với mọi người để làm gương cho con và là trụ cột vững chắc trong gia đình”.

Còn với B.X.Th ở thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành Đông, gần năm qua, chàng thanh niên 24 tuổi này đã không còn tụ tập với bạn bè xấu la cà và trộm cắp vặt. Sau khi được Công an xã, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên đến nhà thăm hỏi, khuyên nhủ, phân tích, cảm hóa, Th đã thấy được điều hay, lẽ phải. Xã đoàn còn tiếp cận tìm hiểu nguyện vọng, sau đó định hướng việc làm cho Th.

Cách nhà Th không xa, anh M.Đ.H (SN 1993) cũng đã thôi gây rối an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung làm ăn, lo cho gia đình. Anh H bộc bạch: “Trước đây, tôi hay dùng nắm đấm mỗi khi gặp chuyện không hay. Nhưng đó là chuyện cũ rồi, sau khi được Xã đoàn và các cấp chính quyền quan tâm, bây giờ tính tôi không còn bốc đồng như trước nữa. Tôi cũng đã tìm được công việc làm cửa nhôm, kính để lo cho gia đình”.

Mưa dầm thấm lâu

Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa đối tượng có hành vi VPPL và có nguy cơ PSTP trở thành những người có ích là công việc không hề đơn giản. Thế nhưng, bằng tâm huyết và trách nhiệm, các cán bộ, đảng viên, hội viên trên địa bàn huyện Tây Hòa đã khắc phục trở ngại để hoàn thành tốt công việc. Nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên không quản ngày đêm, chủ động tiếp cận với người VPPL, gần gũi, động viên, giúp họ nhận thức được vi phạm của mình để vươn lên làm chủ bản thân.

“Mỗi khi cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ được một đối tượng VPPL trở thành người tiến bộ, trong lòng tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi luôn tâm niệm, tham gia tích cực vào công tác này sẽ góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã; nhiều gia đình sẽ bớt đi phần nào đau khổ, buồn phiền về con cái khi con em mình vi phạm”, ông Mai Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Đồng chia sẻ.

Gần 3 năm qua, khi còn đương chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Đồng, ông Liêm phối hợp chặt chẽ với công an, đoàn thể xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho những người từng VPPL nay đã tiến bộ, người có nguy cơ VPPL tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, tham gia các hoạt động tình nguyện, các phong trào ở địa phương để kèm cặp, giúp đỡ họ trở thành những người có ích cho xã hội. Ông Liêm tâm sự: “Chúng tôi thường xuyên đến nhà gặp gỡ, tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng có biểu hiện VPPL và có nguy cơ PSTP. Đồng thời nhờ người có uy tín phối hợp với gia đình để quản lý, cảm hóa. Nhờ kiên trì theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, từ năm 2018 đến nay, xã có 73 đối tượng VPPL, qua cảm hóa có 63 đối tượng đã tiến bộ”.

Trong hai năm 2018, 2019, xã Sơn Thành Đông có 53 đối tượng VPPL, đến nay có 39 đối tượng đã tiến bộ. Là thành viên của tổ cảm hóa, anh Lê Trịnh Đời, Bí thư Xã đoàn Sơn Thành Đông, chia sẻ: “Nhiều trường hợp, việc tiếp cận gặp khó khăn vì họ không muốn tiếp xúc với Chúng tôi đã gặp mặt, trao đổi với gia đình để làm công tác tư tưởng trước một bước; đồng thời đề nghị Công an xã làm cầu nối cho buổi gặp mặt với các đối tượng. Bằng sự tâm huyết, khéo léo và kiên trì, tổ cảm hóa đã dần khiến các đối tượng cởi mở hơn, đưa họ tham gia vào các hoạt động của địa phương, nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các diễn đàn, buổi tuyên truyền pháp luật...”.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Trong năm 2018 và 2019, bằng sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Tây Hòa trong thực hiện công tác nhận lãnh, cảm hóa giáo dục đối tượng VPPL, 198/329 đối tượng trước đây vi phạm nay đã tiến bộ thật sự, có công ăn việc làm ổn định, không còn biểu hiện VPPL; số vụ VPPL trên địa bàn cũng giảm hẳn. Điều đáng nói ở đây là tinh thần trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, đảng ủy các xã, thị trấn cùng cộng đồng trách nhiệm, góp phần đảm bảo tình hình trật tự trên địa bàn huyện.

Ông Trần Công Chính, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tây Hòa, cho biết: “Từ tháng 11/2016, Thường trực Huyện ủy Tây Hòa đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Công an huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi VPPL và có nguy cơ PSTP trên địa bàn huyện, đồng thời ban hành chỉ thị để chỉ đạo công tác này. Đảng ủy các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai, lên danh sách các đối tượng có hành vi VPPL và có nguy cơ PSTP bàn giao cho các hội, đoàn thể nhận lãnh, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ họ trở thành người tiến bộ”.

Theo ông Lê Bân, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tân Tây, hàng năm Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho từng đoàn thể triển khai; chỉ đạo Công an xã rà soát, phân loại, cập nhật thông tin về các đối tượng. “Ngoài nắm bắt tính cách, tâm lý và hoàn cảnh của đối tượng để đưa ra biện pháp cảm hóa, giáo dục phù hợp, chúng tôi còn họp bàn cách tháo gỡ các nút thắt dẫn đến vi phạm của các đối tượng; thường xuyên chỉ đạo các đoàn thể thăm hỏi, động viên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tín chấp với ngân hàng cho họ vay vốn làm ăn”, ông Bân nói.

Bí thư Huyện ủy Tây Hòa Hồ Thị Nguyên Thảo cho hay: “Qua gần 3 năm thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi VPPL và có nguy cơ PSTP, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Công tác tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục các đối tượng của các xã, thị trấn được thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Nhiều đối tượng trong diện quản lý, cảm hóa giáo dục đã thật sự tiến bộ, có việc làm ổn định, không còn tham gia các hoạt động VPPL”.

Công tác tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi VPPL và có nguy cơ PSTP không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm tại cơ sở, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Tây Hòa Hồ Thị Nguyên Thảo

KHÁNH HÀ - TRÍ DƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/418/245574/lay-tinh-thuong-cam-hoa-nguoi-lam-loi.html