Lấy trẻ làm trung tâm thay đổi diện mạo giáo dục mầm non

Mầm non là cấp học đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ cũng như tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn nỗ lực thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, trong đó có triển khai thực hiện tốt chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm'.

Nhiều chuyển biến tích cực

Thực hiện đổi mới giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; ngày 25/1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch 56/KH-BGDĐTchỉ đạo 63 tỉnh/thành phố triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020.

Từ sự ưu việt của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Từ sự ưu việt của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chuyên đề nhằm tạo ra 3 chuyển biến căn bản đối với giáo dục mầm non, gồm: Xây dựng môi trường giáo dục học mà chơi; tạo sự chuyển biến trong năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ; tạo sự chuyển biến trong sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em mầm non.

Kết quả, sau 5 năm triển khai thực hiện, chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non. Đến nay, toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện chuyên đề. Báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, ở cả 5 nhóm tiêu chí ban hành kèm theo Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT, đều có trên 60% cơ sở giáo dục mầm non đạt mức độ 4 (tức là đạt từ 80 đến 100% nội dung trong tiêu chí). 100% các lớp, các trường có góc tuyên truyền về mục tiêu, nội dung chuyên đề. 98% cha mẹ trẻ được tuyên truyền về nội dung xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Các cơ sở giáo dục mầm non tích cực tổ chức ngày hội, ngày lễ, hội thi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ có sự tham gia của cha mẹ trẻ.

Riêng tại Hà Nội, 100% trường, lớp mầm non ở các loại hình trên địa bàn thành phố đã thay đổi toàn diện. Từ năm học 2016 - 2017 đến nay thành phố đã cấp ngân sách bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho 100% đội ngũ và bồi dưỡng chuyên gia nước ngoài cho đội ngũ công chức viên chức nòng cốt. Cấp học mầm non được quan tâm, khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền đã rút ngắn. Công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non công lập có nhiều đổi mới, quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập từng bước ổn định.Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu xã hội và đổi mới giáo dục mầm non hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, giáo dục mầm non Hà Nội còn được chọn là đơn vị làm điểm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về mô hình "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" và "Thư viện trường mầm non dựa vào cộng đồng, thư viện mở".

Nhân rộng mô hình điểm

Nhằm tạo môi trường giáo dục tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện, thời gian qua, Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo cô giáo Đỗ Thị Hòa (Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt), môi trường giáo dục trong trường mầm non là hết sức cần thiết nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ, thông qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Nó được ví như ngôi nhà thứ hai của trẻ. Chính vì vậy, khi xây dựng môi trường học tập cần phải hướng vào trẻ để trẻ được chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm theo phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học”.

Cô giáo Đỗ Thị Hòa cho biết: Năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non Liên Bạt được giao nhiệm vụ làm điểm mô hình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương. Xác định ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn học phí ở mức thấp, các khoản thu khác không có, muốn tôn tạo nên một ngôi trường xanh - sạch - đẹp nếu không có thực hiện xã hội hóa giáo dục thì không thể làm được; nhà trường đã vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân và các cơ quan đoàn thể, cha mẹ học sinh ủng hộ thiết kế quy hoạch vườn rau, quy hoạch 50% diện tích sân trường làm sân cỏ, bể vầy, cây cảnh tạo môi trường thiên nhiên sinh thái và thiết kế 10 bảng vẽ gắn trên các mảng tường rào để trẻ hoạt động.

Kết quả, sau một năm, nhà trường đã đón nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các tổ chức cá nhân, các bậc phụ huynh với tổng kinh phí lên đến hơn 1 tỷ đồng.“Sau bao quyết tâm và nỗ lực, đến nay chúng tôi rất vui sướng với môi trường xanh - sạch - đẹp. Hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong nhà trường được thực hiện ở điều kiện tốt nhất. Cho đến nay thành quả của chúng tôi là các em sau giờ tan lớp không muốn về. Phụ huynh đi làm đồng về ngồi chờ đón con dưới môi trường xanh mát. Trong năm học 2020 - 2021, nhà trường đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi… để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt chia sẻ.

Phụ huynh tham dự hoạt động thực hành trải nghiệm nghề làm gốm của học sinh lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Liên Bạt.

Phụ huynh tham dự hoạt động thực hành trải nghiệm nghề làm gốm của học sinh lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Liên Bạt.

Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và phù hợp với xu thế cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1; phù hợp với phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Học bằng chơi, chơi mà học".

Tại Hà Nội, căn cứ kết quả đạt được giai đoạn 2017 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đótiếp tục triển khai xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đến từng trường, lớp, giáo viên mầm non; phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đa dạng các mô hình trường học tiên tiến, tiếp cận hội nhập quốc tế (trường học điện tử, trường học xanh...); tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng chuẩn đào tạo, chuẩn chức danh nghề nghiệp và đổi mới trong cấp học mầm non…

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lay-tre-lam-trung-tam-thay-doi-dien-mao-giao-duc-mam-non-116112.html