Lấy ý kiến các Bộ ngành về phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đánh giá phương án đầu tư, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo đầu tư công sẽ khả thi hơn kêu gọi đầu tư PPP do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành.
Sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT về tình hình đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ này lấy ý kiến của các Bộ: KH-ĐT, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan về việc đánh giá kỹ lưỡng 2 phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11 tới.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo, hoặc theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, hoặc theo Luật Đầu tư PPP.
Nếu triển khai theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Cục Hàng không sẽ làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1: Đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với tổng kinh phí 1.680 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024.
Dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay) sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhiệm, với việc đầu tư đài kiểm soát không lưu, hệ thống quan trắc khí tượng tự động tầng đồng bộ... với tổng mức đầu tư dự kiến 169 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (nhà ga hành khách, sân đỗ và hạ tầng dùng chung…) sẽ do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng.
Riêng dự án thành phần 4 (kho xăng dầu hàng không) sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư số 23 của Bộ GTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Với phương án triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức đối tác công tư (phương án 2), sẽ lựa chọn hình thức huy động nguồn vốn xã hội đầu tư.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP cảng hàng không Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.402 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện tối thiểu 51 tháng trong khi nếu triển khai theo phương án 1 chỉ cần 21 tháng.
Cục Hàng không đánh giá đầu tư theo phương án 1 sẽ khả thi hơn do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành.
Thực tế, việc kêu gọi đầu tư PPP theo phương án 2 với tổng mức đầu tư ước tính 4.400 tỷ đồng đối với Cảng hàng không Côn Đảo có công suất dưới 2 triệu hành khách/năm sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nếu xét về phương án hoàn vốn cũng như hiệu quả đầu tư.