Lấy ý kiến đóng góp cho Luật Xây dựng sửa đổi tại phía Nam
Ngày 03/7, tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã đồng chủ trì hội thảo 'Lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng'.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội Thảo.
Dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, Sở Xây dựng một số tỉnh khu vực phía Nam, cùng Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA); đại diện các doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản, các Cty xây dựng…
Tại Hội thảo, TS. Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết: Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tu xây dựng, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống luật, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Xây dựng… Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đề xuất sửa đổi 46/168 điều của Luật Xây dựng. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Hoàn thiện chính sách pháp luật về xây dựng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các vướng mắc, bất cập trong thực tế dẫ đến cần phải sửa đổi Luật.
Dự thảo Luật chú trọng phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; Phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng; Đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng; Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực.
Từ đó, Dự thảo Luật sửa đổi các nội dung về: Quy định trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng; Sửa đổi quy định đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập đề xuất dự án thống nhất với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng/miễn phép xây dựng công trình quảng cáo phù hợp với Luật Quảng cáo; Sửa đổi các quy định về quản lý an toàn thi công xây dựng để thống nhất, đồng bộ với pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; sửa đổi quy định về chứng chỉ của tổ chức, cá nhân hành nghề thống nhất với Luật Kiến trúc, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP…
Các đại biểu đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Xây dựng.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, thống nhất và đánh giá cao nội dung, quá trình sửa đổi Luật Xây dựng rất bài bản và toàn diện. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điều khoản còn chưa phù hợp với thực tiễn, khó thức hiện và cần làm rõ khái niệm.
Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị: Dự thảo luật cần phân loại dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau để quản lý dự án cho phù hợp. Đặc biệt, cần bổ xung thêm định nghĩa các loại vốn để xác định được nguồn vốn nhằm quản lý dự án đầu tư theo cách phù hợp, đặc biệt khái niệm “nguồn vốn Nhà nước ngoài đầu tư công” khái niệm này sẽ khó xác định, đặc biệt tại các dự án do các doanh nghiệp, dự án có vốn Nhà nước.
Đối tượng được miễn giấy phép xây dựng (Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng) cần có hướng dẫn công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp và cấp thẩm quyền được ban hành lệnh khẩn cấp. Đối với dự án công trình nằm trên địa bàn của 2 đơn vị hành chính tỉnh trở lên được miễn giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng sẽ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sâu thiết kế cơ sở và Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan quản lý trật tự xây dựng.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Cần Thơ lại đề nghị Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cần bổ sung thêm vấn đề bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở bởi đến nay trên thực tế có hiện công trình hạ tầng chưa hoàn chỉnh hoặc không đảm bảo chất lượng nhưng chủ đầu tư đã giao nhà cho khách hàng.
Luật Xây dựng sửa đổi cần phải làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong mỗi dự án để tránh trường hợp khi có sự việc xảy ra thì chỉ có chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước tham gia giải quyết.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đại diện các doanh nghiệp bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA kiến nghị: Luật Xây dựng sửa đổi cần sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Điều 78, Luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp “quy trình cấp giấy phép xây dựng” bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật; Phân cấp và giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt. Trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng (nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp I, hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp...).
Về các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng, HoREA đề nghị áp dụng đối với các công trình đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật; Các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng thuộc các dự án nhà ở đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng) và đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật; Các công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình trong đô thị, đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Về các trường hợp được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn: Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4, Điều 89, Luật Xây dựng, chỉ có công trình cấp đặc biệt và cấp 1 mới được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn.
HoRea đề nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 89 theo hướng “Không giới hạn cấp công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn khi đã có thiết kế cơ sở được thẩm định”, nhằm cải cách thủ tục cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Sau khi lắng nghe ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã đánh giá cao chất lượng ý kiến và trân trọng cảm ơn các đại biểu. Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định: Hàng năm tổng vốn đầu tư xây dựng bằng khoảng 33 - 34% GDP, tương đương khoảng 60 tỷ USD, trong đó khoảng 4% ngân sách Nhà nước, bộ Luật Xây dựng chi phối mọi lĩnh vực, bắt đầu từ lập kế hoạch đầu tư… đến quá trình quản lý vận hành công trình xây dựng, song hành với Luật Xây dựng thì có một số luật liên quan nhưng Luật Xây dựng có tính trực tiếp. Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp toàn bộ các ý kiến góp ý, nghiên cứu và tiếp thu đưa vào Dự thảo Luật một cách hài hòa, hợp lý nhất.
Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng cũng như gửi trực tiếp bản Dự thảo Luật đến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.