Lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tổ chức giải trình tại các cơ quan Quốc hội

Chiều 14.6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học…

Hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã được triển khai từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Thời gian qua, hoạt động này dần được tăng cường về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát nói chung, hoạt động giải trình nói riêng, để hoạt động này thực hiện thống nhất, bài bản, chuyên nghiệp, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo và giao Văn phòng Quốc hội xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, với hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, chức năng giám sát sẽ được thực hiện ngay khi một sự kiện xảy ra nên sẽ có hiệu lực nhanh hơn, có tính thời sự, làm rõ được trách nhiệm của cấp cơ sở trong thực thi chính sách, pháp luật. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội; cơ sở lý luận, kinh nghiệm điều trần của một số nghị viện trên thế giới... Dự thảo Nghị quyết cũng đã được gửi lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số bộ ngành, cơ quan hữu quan.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ mục đích, quan điểm, sự cần thiết ban hành; những tồn tại, hạn chế trong tổ chức các phiên giải trình và các giải pháp khắc phục cụ thể để cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết; đối tượng được yêu cầu giải trình; nguyên tắc thực hiện giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình; các bước trong quy trình thực hiện giải trình; báo cáo kết quả thực hiện kết luận về vấn đề giải trình; cơ sở pháp lý, trình tự để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết luận phiên giải trình (nếu có); việc tổ chức phiên giải trình về vấn đề do nhiều cơ quan phụ trách; những vấn đề không cần thiết quy định trong Nghị quyết để các cơ quan có "không gian" thực hiện, góp phần bảo đảm thực hiện giải trình linh hoạt, hiệu quả…

Nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của giải trình trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các đại biểu dự hội thảo cũng ghi nhận, thời gian qua, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội đã ngày càng được chú trọng, trở thành một trong những công cụ quan trọng trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Qua tổ chức các phiên giải trình, nhiều vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm đã được làm rõ về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm thực hiện thống nhất, bài bản hơn. Dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng công phu, phù hợp với quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, bảo đảm sát với thực tiễn.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ nên là hướng dẫn khung, quy định một số vấn đề mấu chốt, có tính chất quyết định và chi phối, như: thủ tục theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; thời hạn thông báo kế hoạch để Ủy ban Thường vụ điều hòa hoạt động; thủ tục lựa chọn, quyết định vấn đề giải trình, vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Ủy ban; các trường hợp giải trình đột xuất, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thời hạn gửi báo cáo; giá trị của Kết luận phiên giải trình.

Một số ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện phiên giải trình về vấn đề thuộc phụ trách của nhiều cơ quan của Quốc hội, vì hiện chưa có văn bản điều chỉnh. Đây cũng là một trong những vấn đề được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm nhất hiện nay trong tổ chức các phiên giải trình. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện những trường hợp giải trình đột xuất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, do Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban quyết định, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Kết luận Hội thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, trong đó, nhiều đại biểu lưu ý Nghị quyết này không phải là một văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản mang tính nội bộ để hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến, góp ý tại Hội thảo, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/lay-y-kien-du-thao-nghi-quyet-huong-dan-to-chuc-giai-trinh-tai-cac-co-quan-quoc-hoi-i332512/