Lấy ý kiến nhân dân về đề án thành lập thành phố Phú Quốc

Kiên Giang đang lấy ý kiến nhân dân đối với đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đảo hòn Thơm tại Phú Quốc

Đảo hòn Thơm tại Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành chức năng và huyện Phú Quốc tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra việc lấy ý kiến nhân dân đối với đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải tài liệu phục vụ lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với đề án; niêm yết dự thảo và bản tóm tắt đề án thành lập, danh mục các văn bản chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, tổ chức tuyên truyền, phổ biến tài liệu lấy ý kiến nhân dân.
Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Quốc cho biết: Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện Phú Quốc đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, đồng thời hoàn thiện dự thảo đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Các xã, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách trên địa bàn, niêm yết danh sách, tổ chức lấy ý kiến cử tri, nhân dân theo đúng quy định.
Hiện nay, huyện Phú Quốc là đô thị loại II, diện tích tự nhiên 589,27 km2, quy mô dân số 179.480 người, có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 thị trấn Dương Đông, An Thới và 8 xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Dương Tơ, Hàm Ninh, Hòn Thơm, Thổ Châu. Kinh tế huyện Phú Quốc phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2019 đạt 56.547 tỷ đồng.
Phú Quốc được định hướng với tính chất đô thị là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối quan trọng giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng.
Thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 575,29 km2, quy mô dân số 177.540 người, với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường Dương Đông, An Thới và các xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn.
Địa giới hành chính thành phố Phú Quốc sau khi thành lập nằm ở vùng biển Tây Việt Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cách Thành phố Hồ Chí Minh, Phnôm Pênh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) trên dưới 1 giờ bay; cách thành phố Rạch Giá khoảng 120 km về phía Đông, cách thành phố Hà Tiên 45 km về phía Tây, cách bờ biển Campuchia khoảng 18 km và cách đường lãnh hải Campuchia - Việt Nam 4,5 km.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh chia sẻ: Việc thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển chủ lực; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Hệ thống hạ tầng đô thị sẽ được đầu tư đồng bộ, theo hướng đô thị công nghiệp, văn minh hiện đại.
Khi thành lập thành phố, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đảo ngọc Phú Quốc sẽ được tiếp tục đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa.

Nhân dân sẽ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với điều kiện thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dự án hợp tác về kinh tế của các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Đồng thời, sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát triển sẽ góp phần tăng thu ngân sách của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để tăng mức đầu tư cho phúc lợi xã hội.
Việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, đồng thời tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có của Phú Quốc./.

Lê Huy Hải/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-de-an-thanh-lap-thanh-pho-phu-quoc/159207.html