Lấy ý kiến thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc

Thủ tướng lưu ý chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là việc lớn, phải lấy ý kiến của thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Sáng 24/7, mở đầu phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình có cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho hay từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Riêng trong năm 2024, Chính phủ tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng làm Trưởng Ban.

Bên cạnh việc coi trọng về số lượng, bảo đảm tiến độ, Thủ tướng cho rằng cần đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế "xin - cho", giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng, nguyên tắc xây dựng luật là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng các tư lệnh ngành cần đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; bảo đảm các điều kiện về tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; bố trí những cán bộ đủ trình độ, năng lực, có trách nhiệm cao, đam mê, cảm xúc đối công việc; khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến và ưu tiên chế độ chính sách phù hợp với những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.

"Đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các Bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất; Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này. Bên cạnh đó, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan, bình đẳng", Thủ tướng đề cập.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm 2 đề nghị xây dựng luật (Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi); 2 dự án luật (Luật Điện lực sửa đổi, Luật Việc làm sửa đổi); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Anh Nhật

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lay-y-kien-thanh-vien-chinh-phu-ve-chu-truong-dau-tu-duong-sat-cao-toc-ar885098.html