Lấy ý kiến vào dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)
Sáng 7-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố.
Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) được xây dựng gồm 8 chương, 98 điều, trên cơ sở kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật Thi đua khen thưởng đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004. Các đại biểu khẳng định, qua 17 năm thực hiện, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội; song trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập...
Các đại biểu đã phân tích, góp ý vào dự án Luật, tập trung vào các quy định về thực hiện phân cấp về thẩm quyền việc khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng ở cấp cơ sở; một số vấn đề về quy định và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng tại các cấp; việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng...
Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực phát triển phong trào thi đua. Đối tượng thi đua, khen thưởng đặc biệt là ưu tiên đối tượng trực tiếp lao động sản xuất, làm rõ thêm yếu tố tiêu chuẩn để nhận danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là yêu cầu rất cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.