Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chiều 14/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc hội nghị. (ảnh chụp màn hình)
Ngày 05/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15, với 452 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo đó, Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (được Quốc hội thành lập theo Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025) đã tổ chức xây dựng Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 với phạm vi đã được Quốc hội xác định.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 2 điều: Điều 1, gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2, gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ và xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã thông tin sơ lược về thời gian, hình thức xây dựng báo cáo tổng hợp lấy ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, về tổ chức lấy ý kiến và thời hạn gửi báo cáo, được thực hiện từ ngày 6/5/2025 đến ngày 29/5/2025, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bám sát các yêu cầu về đối tượng, hình thức lấy ý kiến, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện tại Kế hoạch số 05.
Chậm nhất là ngày 30/5/2025 gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cơ quan, Bộ, ngành, địa phương; Bộ Công an gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VNeID, Văn phòng Quốc hội gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Văn phòng Chính phủ gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đến Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp chung.
Với tinh thần trách nhiệm, tại hôi nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 của Hiến pháp năm 2013); sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013),...