Lấy ý kiến về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế
Để góp phần bảo tồn bền vững những di sản quý báu mà ông cha ta đã để lại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ Quy hoạch (QH) bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Quy hoạch tiếp nối
Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ QH (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020).
Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào.
Đến nay, đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, trong thời gian gần đây, các bộ ngành Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.
Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập QH bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 42/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức lập QH và hiện dự án đã hoàn thành các bước về tổ chức lập QH, báo cáo phương án QH và việc trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng. Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Phan Văn Tuấn thông tin, QH này là tiếp nối của QH 818 (giai đoạn 2010 - 2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, nhưng với quy mô và phạm vi rộng lớn hơn.
Phạm vi rộng lớn
Phạm vi nghiên cứu lập QH bao gồm không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể Di tích Cố đô Huế: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, núi Duệ, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang. Tổng diện tích khoảng 134.000ha.
Trong đó, quy mô nghiên cứu QH sẽ là Khu vực bảo vệ của Di sản văn hóa thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, các Lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành; Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, mục tiêu của QH nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế, bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Quần thể. Tạo cho khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế
“QH còn góp phần hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề phát triển kinh tế gắn với di sản một cách hữu hiệu. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân sống trong khu vực có di sản cùng tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị đó”, ông Trung nói.
Trong Đồ án quy hoạch, đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Cố đô Huế vào năm 2050 được xây dựng dựa trên truyền thống lịch sử, sự đa dạng về tự nhiên, văn hóa, thể chế, nguồn nhân lực để trở thành một mô hình toàn cầu về bảo tồn bền vững di sản và khả năng cộng sinh với phát triển đô thị, trong đó Quần thể di tích Cố đô Huế làm hạt nhân cốt lõi.