Lazada giảm 48%, Tiki mất 63% doanh số trong nửa đầu năm 2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, TikTok Shop tăng 68.64% doanh số, nâng thị phần lên 39% thị phần, Shopee tăng 16.12% doanh số, giảm thị phần còn 58%. Lazada và Tiki lần lượt mất 48% và 63% doanh số so với cùng kỳ năm 2024...

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng phân hóa.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng phân hóa.

Theo Nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, doanh số thị trường thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2025 đạt 202,3 nghìn tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ 2024. Riêng tháng 5 và 6 ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, lần lượt 44,54% và 46,49% so với cùng kỳ, trong khi tháng 4 cũng giữ đà tăng ổn định ở mức 32,03%.

Về doanh thu các sàn, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng là TikTok Shop, với mức tăng doanh số lên tới 69%, kéo theo thị phần vọt từ 29% lên 39%.

Nguồn: Metric.vn

Nguồn: Metric.vn

Shopee vẫn giữ ngôi đầu thị trường với 58% thị phần, tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ đạt 16%, giảm so với mốc 63% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Trái lại, Lazada và Tiki tiếp tục gặp khó khăn với doanh số lần lượt giảm 48% và 63%, thị phần theo đó cũng bị thu hẹp rõ rệt.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng shop phát sinh đơn hàng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ và cuối năm 2024. Cụ thể, giảm hơn 80,000 shop so với 6 tháng đầu năm 2024 và hơn 55,000 shop so với 6 tháng cuối năm 2024. Xu hướng này cho thấy sự đào thải ngày càng khốc liệt trong thương mại điện tử, khi thị trường đang tập trung vào nhóm nhà bán lớn có khả năng duy trì đơn hàng ổn định.

Hàng nhập khẩu trên Shopee ngày càng chiếm được ưu thế ở phân khúc sản phẩm giá rẻ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng phổ thông với lợi thế về giá thành cạnh tranh và mẫu mã phong phú.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhóm hàng này ghi nhận doanh số 7.5 nghìn tỷ đồng với hơn 164 triệu sản phẩm bán ra, tốc độ tăng trưởng doanh số đạt 6.61% trong khi sản lượng gần như không thay đổi (+0.05%), phản ánh xu hướng gia tăng giá trị đơn hàng.

Dù thị phần tổng thể chỉ đạt 6%, nhóm hàng nhập khẩu vẫn duy trì sức tiêu thụ tốt nhờ mức giá trung bình thấp, khoảng 45,625 đồng/sản phẩm. Thực tế này cho thấy người tiêu dùng vẫn ưa chuộng mua sắm số lượng lớn với chi phí tối ưu, đặc biệt trong nhóm sản phẩm phổ thông.

Điều này tạo ra thách thức rõ rệt cho nhà bán nội địa trong việc duy trì sức cạnh tranh, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và tốc độ giao hàng để giữ chân khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong bảng xếp hạng doanh thu ngành hàng, dữ liệu cho thấy ngành làm đẹp dẫn đầu doanh số với 35,762 tỷ đồng, theo sau là nhà cửa đời sống (26,964 tỷ đồng) và thời trang nữ (26,694 tỷ đồng).

Nguồn: Metric.vn

Nguồn: Metric.vn

Nửa đầu năm 2025, từ khóa “túi xách nữ” dẫn đầu toàn thị trường với hơn 17.3 triệu lượt tìm kiếm, phản ánh sức hút lớn từ ngành hàng thời trang nữ. Theo sau là các từ khóa quen thuộc như “áo” (15 triệu), “dép nữ” (14,7 triệu), cho thấy xu hướng tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm thời trang cơ bản, dễ mua sắm online. Đặc biệt, từ khóa “baby three” ghi nhận hơn 12 triệu lượt tìm kiếm, tiếp tục duy trì sức hút từ trào lưu đồ chơi trend mạng xã hội.

Nguồn: Metric.vn

Nguồn: Metric.vn

Metric.vn chỉ ra các sản phẩm có mức giá từ 100.000 đến 200.000 đồng dẫn đầu cả về doanh số lẫn sản lượng, với thị phần doanh số tăng mạnh từ 24,2% lên 26,3%. Phân khúc từ 200.000 đến 350.000 đồng cũng ghi nhận sự cải thiện nhẹ, từ 15,7% lên 16,5%. Ngược lại, các mặt hàng có giá trên 1 triệu đồng giảm thị phần từ 16,3% xuống còn 15,1%.

Diễn biến này cho thấy người tiêu dùng đang tiếp tục ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có mức giá hợp lý. Dù phân khúc cao cấp vẫn duy trì doanh số ổn định, sức mua đã có dấu hiệu chững lại. Sự phân hóa giữa các nhóm giá phản ánh xu hướng tiêu dùng thận trọng hơn, tập trung vào các sản phẩm vừa túi tiền, đặc biệt trong các ngành hàng thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng và sản phẩm dành cho mẹ và bé.

Dự báo xu hướng tiêu dùng quý III/2025 - Nguồn:Metric.vn.

Metric.vn dự báo trong quý III năm 2025, doanh số thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 122,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 21,6% so với quý II. Theo đó, loạt sự kiện mua sắm lớn như Ngày đôi 8/8, 9/9, Tết Trung thu và mùa tựu trường là những dịp dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng ở các nhóm ngành hàng như giáo dục, quà tặng và thực phẩm.

Các sàn thương mại điện tử nhiều khả năng sẽ tăng cường đầu tư vào hệ thống logistics và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng thông qua các chương trình ưu đãi tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp duy trì sức mua ổn định trong suốt quý III, bất chấp những biến động từ môi trường kinh tế vĩ mô.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lazada-giam-48-tiki-mat-63-doanh-so-trong-nua-dau-nam-2025.htm