LĐLĐ huyện Thường Tín: Chú trọng đổi mới phương thức hoạt động
Những năm qua, các cấp Công đoàn huyện Thường Tín (Hà Nội) đã thường xuyên đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hướng về cơ sở
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng, thời gian qua hoạt động các cấp Công đoàn, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đội ngũ công nhân lao động huyện từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo phân cấp, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện hiện đang trực tiếp quản lý 222 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với tổng số 10.346 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có 9.885 đoàn viên công đoàn.
Với tinh thần hướng về cơ sở, LĐLĐ huyện luôn chú trọng thực hiện các chính sách, pháp luật; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân lao động. Cụ thể, LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp với các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn 2012; xây dựng và ký chương trình phối hợp công tác tham gia ký Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên địa bàn huyện Thường Tín giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, xây dựng và ký quy chế phối hợp công tác với Đảng ủy khối doanh nghiệp huyện. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 125 doanh nghiệp. Các cấp Công đoàn đã tích cực kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Hằng năm, thực hiện hướng dẫn của UBND và LĐLĐ thành phố Hà Nội, LĐLĐ huyện phối hợp với UBND huyện xây dựng văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động; hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS xây dựng nội dung, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ Luật Lao động; hoạt động tư vấn pháp luật được các cấp Công đoàn duy trì và đẩy mạnh…
Đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, hướng tới người lao động. Hằng năm, LĐLĐ huyện tổ chức chương trình “Tết Sum vầy” tặng hàng trăm suất quà cho CNVCLĐ và con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 100 triệu đồng; tổ chức 30 chuyến xe ô tô miễn phí đưa 1.297 lượt công nhân lao động, con công nhân lao động ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về quê đón Tết; hỗ trợ công nhân lao động ở các tỉnh xa mua vé xe về quê đón Tết; phối hợp với UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, doanh nghiệp thành lập đoàn tới thăm động viên, tặng quà CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…
Để Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy
Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín Bồ Xuân Ngọc đánh giá, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các cấp Công đoàn huyện đã nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Tổ chức Công đoàn đã bước đầu phát huy được vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp. Công đoàn đã thực sự là chỗ dựa tin cậy của giai cấp công nhân trong tình hình mới.
Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Thường Tín, từ thực tiễn hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ, LĐLĐ huyện rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Theo đó, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, hoạt động công đoàn luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người sử dụng lao động. Mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn phải hướng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh luôn là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định sự lớn mạnh của cả hệ thống Công đoàn. Do vậy công tác xây dựng CĐCS vững mạnh phải gắn liền với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tăng cường học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính quyền các cấp và người sử dụng lao động cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động; chủ động xây dựng và ký kết thỏa ước lao động đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động ở đơn vị.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đội ngũ CNVCLĐ huyện Thường Tín tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, đa dạng về cơ cấu. Số lượng công nhân, lao động trực tiếp trong các loại hình doanh nghiệp nhìn chung tăng. Trình độ chuyên môn, tay nghề và nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật của công nhân lao động ngày càng được nâng cao. Tình hình tư tưởng, việc làm thu nhập và đời sống của CNVCLĐ cơ bản ổn định. Quan hệ lao động và thực hiện các quy định của pháp luật lao động tương đối tốt. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công.