Lê Bắc Kạn vào mùa quả ngọt

Nhờ ưu điểm vỏ mỏng, thanh mát, vị ngọt dịu, mấy năm gần đây một số huyện như Ngân Sơn, Bạch Thông đã chú trọng mở rộng diện tích trồng lê. Loại cây này hiện mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế cho người dân.

Tháng 6, tháng 7 là vụ của những trái lê ngọt. Ở Bắc Kạn, lê được trồng chủ yếu ở các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông và Ba Bể bởi đây là những vùng có các tiểu vùng khí hậu mát mẻ, phù hợp với các loại quả ôn đới.

 Hộ ông Hoàng Văn Slín ở tiểu khu Đèo Gió, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn năm nay thu về hơn 1,5 tấn lê.

Hộ ông Hoàng Văn Slín ở tiểu khu Đèo Gió, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn năm nay thu về hơn 1,5 tấn lê.

Ngân Sơn là vùng đất của những trái lê. Từ xa xưa nơi đây đã có giống lê ta, một loại lê có vị chan chát nhưng mùi thơm đặc trưng, giống lê bản địa cây cao, thân to xù xì, tán rộng, khi đã đạt được độ chín ngọt, vỏ quả lê sẽ chuyển nâu sang màu vàng. Tuy nhiên giống lê ta hiện nay đã bị thoái hóa, nhiều người chặt bỏ vì năng suất kém, thay vào đó huyện đã định hướng, khuyến khích trồng các giống lê như lê nâu, lê VH6. Đây là các giống lê ghép, thời gian cho thu hoạch nhanh, chỉ khoảng 4 năm là bói quả, phù hợp trên chân đất đồi, đất vườn, giá trị kinh tế cao.

Hộ ông Hoàng Văn Slín ở Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng đã gặt hái thành công với mô hình trồng lê ghép. Cách đây 8 năm, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho gia đình ông và một số hộ lân cận trồng giống lê VH6. Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai phù hợp, giống lê VH6 phát triển tốt, từ năm thứ 4 trở đi đã bói quả. Nếu như năm đầu tiên ông chỉ thu về 8 triệu đồng thì năm 2024 đã thu về hơn 1,5 tấn, với giá bán tại chỗ là 30.000 - 40.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình hơn 50 triệu đồng. Hiện, ông Slín có hơn 1ha lê với với 400 gốc gồm giống VH6 và lê nâu, đầu ra khá ổn định.

Giống lê VH6 không chỉ trồng phù hợp trên đất Ngân Sơn mà hiện nay huyện Bạch Thông cũng đưa giống lê VH6 vào trồng thành công trên đồng đất xã Vũ Muộn. Đến nay toàn xã đã có 10ha lê, trong đó một số diện tích đã cho thu hoạch.

Bà Đàm Thị Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: “Nhận thấy đây là cây có giá trị kinh tế cao, từ thành công thí điểm 1ha tại thôn Tân Lập, mấy năm nay xã đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo từ cây lê. Hiện tại, diện tích cây lê được trồng mới lên đến hàng chục héc-ta, hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân”.

Ông Hứa Văn Ít ở thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn năm đầu tiên trồng 1.200m2 giống lê VH6 từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ. Sau 2 tháng trồng, cây thích nghi, phát triển tốt, hứa hẹn sớm đem lại thu nhập cho gia đình.

 Lê Ngân Sơn được nhiều người ưa chuộng bởi sạch, hương vị ngọt nhẹ, thanh mát.

Lê Ngân Sơn được nhiều người ưa chuộng bởi sạch, hương vị ngọt nhẹ, thanh mát.

So với các giống lê khác, lê VH6 được đánh giá là có nhiều triển vọng cho năng suất cao, bình quân thu 50-60kg/cây, khi bộ khung tán phát triển toàn diện, cây sẽ cho thu hoạch ổn định. Để hình thành vùng chuyên canh cây lê, huyện Ngân Sơn khuyến cáo người trồng thường xuyên chăm sóc, làm cỏ vườn, tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu đục thân, nấm, ruồi vàng; tạo độ thông thoáng để cây tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, phát triển nhanh và cho sai quả./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/le-bac-kan-vao-mua-qua-ngot-post64585.html