Lễ bế giảng ở một ngôi trường đặc biệt

Ngày 30/7, Trường Trung Cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hân hoan tổ chức lễ tổng kết năm học 2019 – 2020 và phát chứng chỉ hành nghề cho hàng trăm em học sinh. Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã về dự chia vui cùng thầy trò trường Trung cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận trong ngày lễ đặc biệt này.

Trong không khí ấm áp đó còn có hàng trăm phụ huynh của các em từ nhiều nơi về đây, có người quê tận ngoài Bắc vẫn bắt xe vào để chứng kiến giây phút trọng đại đầu đời của con mình, chứng kiến sự trưởng thành của những đứa trẻ từng ngỗ ngược khiến họ phải thất vọng và tìm đến ngôi trường để gửi gắm.

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ do học sinh nhà trường biểu diễn.

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ do học sinh nhà trường biểu diễn.

Em Phương Thiên Bảo năm nay vừa hoàn thành chương trình phổ thông trung học, nhớ lại thời còn chập chững bước chân tới trường, Bảo bỡ ngỡ lắm, vì nhà ở tận TP Hồ Chí Minh. Khoảng thời gian đầu, nhớ nhà Bảo khóc suốt, nhưng rồi được các anh trong trường chia sẻ và được các thầy cô động viên tham gia vào các hoạt động nên dần dần cậu bé đã vơi bớt nỗi nhớ nhà và hòa nhập vào môi trường mới.

“Mấy năm trôi qua nhanh quá. Con học và ở tại ngôi trường này cũng được 3 năm rồi. Đây là ngôi trường rất đặc biệt, chúng con xem đây là ngôi nhà lớn, ở đây ngoài học văn hóa con còn được các cha, sơ cho học các nghề chế tạo, hàn, đục, tiện nói chung sau khi chúng con ra trường với chứng nhận trong tay sẽ tự tin đi làm luôn được”, Bảo vui vẻ chia sẻ.

Nhưng ước mơ của Thiên Bảo là sau buổi lễ này em sẽ tập trung vào ôn thi tốt nghiệp và đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin. “Với những gì đã học được ở trường, chúng con tự tin sẽ đạt được nguyện vọng của mình”, Bảo khẳng định.

Linh mục Vũ Kim Long trao bằng tốt nghiệp về nghề cho học sinh.

Linh mục Vũ Kim Long trao bằng tốt nghiệp về nghề cho học sinh.

Trường Trung Cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận được xem là ngôi trường đặc biệt, gọi là ngôi trường đặc biệt vì nơi đây chỉ ưu tiên nhận những trẻ em cá biệt trong độ tuổi từ lớp 9 đến lớp 12. Đó là trẻ mồ côi, trẻ em người dân tộc, trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường cho đến trẻ bỏ học, trẻ quậy phá bố mẹ không quản lý được và những đứa trẻ bị đuổi từ các trường khác…tất cả sẽ được học, được đào tạo trở thành người tử tế, có ích cho xã hội.

Năm học này, Trường Trung Cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận đào tạo 15 lớp nghề với 307 học sinh; 10 lớp văn hóa với 270 học sinh, các học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi 24 em đạt tỷ lệ 8,9%; học sinh tiên tiến 126 em đạt tỷ lệ 46,7%. Những năm qua trường luôn giữ truyền thống đỗ tốt nghiệp phổ thông 100%.

Linh mục Vũ Kim Long trao bằng chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho các em học sinh.

Linh mục Vũ Kim Long trao bằng chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho các em học sinh.

Ngắm nhìn gần 300 em học sinh từ lớp 9 đến 12 ngoan ngoãn, lịch thiệp, xinh đẹp rạng ngời trên khuôn mặt chuẩn bị cho lễ tổng kết, chẳng ai có thể nghĩ, trong số đó có những đứa trẻ từng rất quậy phá. Chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả sự khiêm nhường, Linh mục Vũ Kim Long, Hiệu trưởng Trường Trung Cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận cho biết: “Việc chúng tôi phải làm là cho các em cảm thấy mình được thương mến, đồng thời những sinh hoạt của nhà trường phải thật hấp dẫn, khiến các em muốn ở lại trong nhà Don Bosco”.

Lý giải về phương pháp nào mà các linh mục và sơ có thể “cảm hóa” để các em trở thành những đứa trẻ ngoan, học giỏi, Linh mục Vũ Kim Long cho rằng, những khó khăn, đều được hóa giải trong niềm hân hoan, hy vọng. Bởi theo ông, với trẻ mồ côi, nghèo và trẻ em người dân tộc, nhà trường chỉ cần tìm học bổng cho các em là ổn định. Còn đối với trẻ bỏ học, bị đuổi và quậy phá thì Don Bosco giáo dục bằng tình thương.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao giấy khen cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao giấy khen cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Chính sự giáo dục các em tự ý thức, để không cần sử dụng đến hình phạt, mà chỉ cần một câu nói nhẹ nhàng, nhà trường đã giúp các em tự giác và điều chỉnh lại hành vi của mình.

Bên cạnh việc giáo dục văn hóa cho các em, trường hiện có những ngành nghề đào tạo như sửa xe gắn máy; công nghệ ôtô; cơ khí chế tạo; kỹ nghệ sắt; điện công nghiệp và gia dụng, may công nghiệp và thời trang; kế toán doanh nghiệp; tin học văn phòng; chăm sóc sắc đẹp. Và có một điều đặc biệt là tất cả học sinh ở đây đều có cơ hội học âm nhạc và biết cách sử dụng một loại nhạc khí đơn giản.

Sau khi học xong 4 năm, từ lớp 9 đến lớp 12, học sinh trong trường Don Bosco sẽ có bằng lái xe moto, bằng trung cấp nghề, và bằng tốt nghiệp phổ thông.

Linh mục Vũ Kim Long tiếp nhận hỗ trợ từ Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An.

Linh mục Vũ Kim Long tiếp nhận hỗ trợ từ Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An.

Hai tấm bằng: bằng nghề và bằng văn hóa cho một đứa trẻ bị bỏ rơi làm hành trang bước vào đời, Trường Trung Cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận đã mở một cánh cửa lớn hơn để các em có việc làm hoặc liên thông lên cao đẳng và đại học. Điều ý nghĩa ấy, không phải ai cũng biết.

Công ty xây dựng Thuận Việt ủng hộ nhà trường trong ngày bế giảng.

Công ty xây dựng Thuận Việt ủng hộ nhà trường trong ngày bế giảng.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, người Công giáo châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tước hiệu vì những đóng góp của mình đối với xã hội và giáo hội, cũng là người đã đồng hành với thầy trò Trường Trung cấp kỹ thuật Don Bonsco Mỹ Thuận trong nhiều năm qua đã bày tỏ sự xúc động của mình trong buổi lễ này.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng các thầy cô và lãnh đạo địa phương tới dự trong ngày bế giảng.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng các thầy cô và lãnh đạo địa phương tới dự trong ngày bế giảng.

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh cho rằng, đây là một buổi lễ đặc biệt, nhất là đối với các em học sinh tốt nghiệp ra trường. Có thể với các em ngày hôm nay là dấu mốc kết thúc một chặng đường nhỏ nhưng lại bắt đầu mở một chặng đường mới và quan trọng của cuộc đời.

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh mong mỏi, sau khi ra trường, trước khi các em muốn làm một công dân tốt thì điều trước tiên phải biết ghi nhớ, tri ân công ơn của các thầy cô ở nơi này, tri ân cha mẹ, tri ân Tổ quốc đã nâng niu, dìu dắt và tạo cho chúng ta một môi trường tốt để học tập, để trở thành người có ích cho xã hội.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/le-be-giang-o-mot-ngoi-truong-dac-biet-502631.html