Lễ buộc chỉ cổ tay cầu may nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Lào
Lễ buộc chỉ cổ tay thường được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Lào. Nghi lễ song hành với sự phát triển văn hóa của đất nước Triệu Voi, thể hiện lòng hiếu khách của người dân Lào với bạn bè, mang hàm ý cầu chúc thật nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với người được buộc chỉ nhân dịp năm mới.
Ngày Tết té nước Bunpimay và nghi lễ buộc chỉ cổ tay ở Lào
Giữa tháng 4 dương lịch (khoảng tháng 5 theo Phật lịch) người dân Lào chờ đón Tết Bunpimay và lễ buộc chỉ cổ tay cầu may. Ngày tết này còn gọi là Tết té nước đặc biệt thu hút khách du lịch bởi ngày tết mang đến không khí hội hè vô cùng náo nhiệt.
Đó là khoảnh khắc thời gian chuyển mùa trong năm, thời tiết và khí hậu khô nóng đỉnh điểm. "Nước" chính là điều khao khát nhất, mát lành nhất và cũng là thứ có khả năng gột rửa đi mọi sự không may của năm cũ, mang đến nguồn sống cho con người, muôn loài và cây cỏ.
Tết Bunpimay tại Lào năm 2023 rơi vào 3 ngày 14-16/4.
Trong ngày Tết, vui nhất là ở các ngôi chùa. Người ta cho nước thơm nấu từ các tinh dầu vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho tượng Phật, cho các nhà sư và rảy nước vào nhau. Đây là cách cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.
Các quốc gia ASEAN có điểm chung là đều có các tiểu vùng văn minh lúa nước và các phương thức canh tác lâu đời dựa vào thiên nhiên. Với họ, việc mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa đồng nghĩa với ấm no hạnh phúc. Vì vậy, tuần lễ khởi đầu báo hiệu mùa khô kết thúc đến mùa mưa cũng là lúc bước vào năm mới.
Rất nhiều quốc gia ASEAN có ngày Tết vào tháng 4 hằng năm với các nghi lễ không thể thiếu là rảy nước, dâng cúng các vị thần các vật phẩm làm từ lúa gạo và buộc chỉ đỏ vào cổ tay cầu may.
Một trong những nghi thức quan trọng của nghi lễ đón năm mới là các nhà sư hành đạo rẩy nước làm phép cầu may mắn cho những người có mặt trong buổi lễ.
Trước đây, nước được lấy từ trên núi cao, hoặc trong các giếng của chùa để làm lễ. Trải qua nhiều sự giao thoa văn hóa, người Lào cũng dần cởi mở hơn, nhiều tầng lớp nhân dân chờ đợi mỗi dịp tết để nghỉ ngơi vui chơi, tiếp đãi bạn bè. Trong đó, việc té nước vào người khác để chúc may mắn trở thành một cuộc vui chơi ngoài trời náo nhiệt.
Mỗi năm đến dịp tết Bunpimay, du khách khắp nơi đổ về đất nước Lào rất đông. Các ngôi chùa trong dịp này đều được sửa sang trang hoàng lại. Đây cũng là dịp người dân để cúng tế vào chùa, và các ngôi chùa mở kho làm từ thiện cho người nghèo.
Tham dự Tết té nước của Lào và lễ buộc chỉ cổ tay là một trải nghiệm đặc biệt
Thực chất, nghi thức buộc chỉ cổ tay của người Lào là một câu chúc may mắn không cần lời, một nghi thức tôn giáo được nâng tầm lên thành nghi thức ngoại giao.
Người Lào thực hành nó trong bất kì dịp nào họ muốn chúc phúc cho người khác. Ngoài lễ mừng năm mới, các dịp lễ khác như lễ khai sinh trẻ nhỏ, mừng nhà mới, mừng đỗ đạt… đều có nghi thức buộc chỉ cổ tay.
Buộc chỉ cổ tay cho người già chúc trường thọ, sức khỏe, cho người trẻ cầu may mắn hạnh phúc. Đặc biệt là các cặp đôi trong lễ hằng thuận tại các ngôi chùa không thể thiếu được lễ buộc chỉ cổ tay để hàm ý cả đời gắn bó, bền chặt, tình cảm không thể chia lìa.
Trong Lễ buộc chỉ tay, người Lào chuẩn bị mâm lễ trái cây hương hoa. Trên mâm lễ ngoài xôi, rượu, đồ ăn, nước, trái cây…. phải có một cây trang trí hình tháp bằng hoa và nến. Người Lào dùng hoa vàng và trắng có mùi thơm để trang trí cho mâm lễ cùng rượu trắng, thể hiện sự tinh khiết.
Hình tháp bằng hoa và lá chuối trong mâm lễ tượng trưng cho hiện thân của Phật phổ độ. Đó cũng là sự mong muốn, dâng cúng của phật tử đối với Phật. Các sợi chỉ trắng đồng thời được đặt vào mâm lễ, sau đó lần lượt được buộc vào tay những người làm lễ xung quanh.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay còn thể hiện mong muốn đoàn kết gắn bó giữa các gia tộc, những người cùng dòng họ, hay là hội nhóm, anh em bạn bè. Với ý nghĩa cùng một cuộc chỉ được cắt ra và buộc vào tay mỗi người thì dù ở đâu họ cũng có sự liên kết với nhau như những sợi chỉ trong cùng một cuộn chỉ.
Người Lào xem trọng việc buộc chỉ cổ tay và tuyệt đối không vì lý do gì mà bỏ sợi chỉ đi trong 3 ngày đầu được làm phép và buộc vào. Mỗi khi có dịp đặc biệt, cưới, tiễn người đi xa, hoặc đón người trở về, tân gia hoặc người ốm mới khỏi bệnh… sợi chỉ không chỉ là cầu may mắn mà còn là một sự ghi nhớ, biết ơn những hạnh phúc đã được hưởng.
Cùng với nhiều nghi lễ cầu may mắn khác, nghi thức buộc chỉ cổ tay đã cùng song hành với sự phát triển văn hóa từ xa xưa của đất nước Triệu Voi. Họ tự hào về phong tục tôn giáo của mình và luôn muốn khoe nét đẹp văn hóa này với thế giới cùng với điệu múa lăm – vông, ẩm thực Lào, nếp sống hiền hòa của người Lào bên dòng sông Mê Kông.