Lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/9, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị. Cùng dự lễ công bố có lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.

Đây cũng là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được thực hiện. Đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.

Quy hoạch được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt văn kiện các kỳ đại hội đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; kế thừa quan điểm còn giá trị của quy hoạch trước đây, phù hợp đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các vướng mắc, hạn chế trong 10 năm vừa qua, nhất là về tính đồng bộ, liên kết.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT đã công bố Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó: Đến năm 2030, mạng lưới đường cao tốc có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km;

Mạng lưới Quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn;

Mạng lưới đường bộ ven biển đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh.

Bộ GTVT đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.

Định hướng đến năm 2050: Hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra các giải pháp nhằm thực hiện được quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch, trong đó: Tập trung nhấn mạnh về huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc;

Đẩy mạnh đầu tư PPP, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, kích hoạt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương….

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-cong-bo-quy-hoach-mang-luoi-duong-bo-thoi-ky-2021-2030/d2021091512092134.htm