Lễ đàn kính thiên Tràng An năm 2023

Chiều tối 29/4 (tức ngày 10/3 năm Quý Mão), tại xã Gia Sinh (Gia Viễn), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức lễ đàn kính thiên Tràng An năm 2023.

Hoạt cảnh tái hiện lại nghi thức nghênh đón Đinh Bộ Lĩnh về Đàn kính thiên tại Cổng trời Bái Đính.

Hoạt cảnh tái hiện lại nghi thức nghênh đón Đinh Bộ Lĩnh về Đàn kính thiên tại Cổng trời Bái Đính.

Dự lễ có các đồng chí: Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành phố; đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và đông đảo phật tử, du khách thập phương.

Các đại biểu dự buổi lễ.

Lễ đàn kính thiên Tràng An năm 2023 là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968- 2023) gắn với Lễ hội Hoa Lư năm 2023 nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc công thần khai quốc trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Theo sử sách, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, giang sơn thu về một mối và đúng ngày 10/3 năm Mậu Thìn (năm 968), Đinh Bộ Lĩnh cho lập một Đàn tế thiên, bố cáo thiên hạ xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là "Đại Cồ Việt", lấy niên hiệu là "Thái Bình".

Chương trình buổi lễ được dàn dựng công phu bằng hình thức sân khấu hóa đã tái hiện lại Đàn tế thiên nhằm gợi nhớ về nguồn cội xa xưa, đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Tái hiện lại lễ đăng quang của Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng.

Đàn tế thiên, bố cáo thiên hạ xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế của vua Đinh Tiên Hoàng vào ngày 10/3 năm Mậu Thìn (năm 968).

Theo đó, cứ vào ngày mồng 10/3 âm lịch hàng năm, người dân Cố đô Hoa Lư lập đàn tế trời với ý nghĩa văn hóa lịch sử này.

Buổi lễ đã diễn ra nghi thức nghênh đón Đinh Bộ Lĩnh về Đàn kính thiên tại Cổng trời Bái Đính cùng các nghi lễ đăng quang Hoàng Đế và sắc phong các chức vị cho các quan triều Đinh.

Sau đó, Vua và các quan bắt đầu làm lễ tế thiên cảm tạ trời đất, cầu quốc thái dân an với nhiều nghi lễ truyền thống.

Chương trình văn nghệ đặc sắc với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

….với sự góp mặt của hàng trăm diễn viên quần chúng.

Dự lễ đàn kính thiên, các đại biểu và hàng nghìn du khách thập phương đã được hòa mình vào chương trình văn nghệ đặc sắc với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Hòa tấu nhạc lễ; Hòa tấu đàn nhị khúc nhị hành; Hòa tấu kết hợp múa; Múa đu tiên; Vũ khúc sắc màu dân tộc.

Việc sân khấu hóa lại Lễ đăng quang Hoàng đế cùng các nghi thức trong Lễ tế trời của Đinh Bộ Lĩnh với các phần lễ nghi và chương trình âm nhạc chào mừng góp phần tạo không khí hào hùng và hoài cổ.

Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức bắn pháo hoa (tầm thấp) nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, du khách thập phương khi về tham dự tháng 3 mùa lễ hội truyền thống tại Ninh Bình.

Đàn Kính Thiên Tràng An tọa lạc ở vị trí cao nhất trong thung lũng Mộc Hoàn (thung Ui) thuộc vùng lõi của Quần thể di sản thế giới Tràng An và nằm ở phía Tây Cố đô Hoa Lư.

Từ nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, Ninh Bình đã phục dựng Lễ tế Thiên và kiến trúc đàn tế Thiên theo lối cổ kính gồm ba cổng chính là: Cổng Nhân môn, Địa môn và Thiên môn.

Minh Đường - Anh Tuấn - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/le-dan-kinh-thien-trang-an-nam-2023/d20230430060959579.htm