Lễ đón tiếng sấm đầu năm: Hồn cốt văn hóa người Ơ Đu
Lễ đón tiếng sấm đầu năm tồn tại khoảng 100 năm qua, là một lễ hội lớn, quan trọng, có nhiều lễ thức mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng có của dân tộc Ơ Đu.
Ngày 27/6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 2192/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận “Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu ở xã Nga My, tỉnh Nghệ An” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và Tín ngưỡng.
Lễ đón tiếng sấm đầu năm tồn tại khoảng 100 năm qua, là một lễ hội lớn, quan trọng, có nhiều lễ thức mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng có của dân tộc Ơ Đu.
Trong tâm thức của người Ơ Đu, khi nào có tiếng sấm thì đó là thời điểm bước sang năm mới. Khi đó người Ơ Đu tổ chức lễ đón tiếng sấm để cầu mong bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người dồi dào sức khỏe.

Chị em phụ nữ dân tộc Ơ Đu ở bản tái định cư Văng Môn (xã Nga My, Nghệ An) giúp nhau mặc trang phục truyền thống để cùng bà con dân bản đi dự lễ tiếng đón tiếng sấm đầu năm. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Sáng sớm của ngày đầu tiên sau khi bầu trời xuất hiện tiếng sấm, bà con dân bản Văng Môn (xã Nga My, Nghệ An) cùng nhau mang các vật dụng ra suối Nậm Ngân để lau chùi, mang ý nghĩa rửa trôi những đen đủi, phiền muộn trong năm để bước sang năm mới. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Ngay sau khi rửa những đen đủi, phiền muộn ở suối thiêng Nậm Ngân chảy quanh sau bản, mọi người sẽ theo chân già làng, thầy cúng di chuyển về địa điểm làm lễ đón tiếng sấm đầu năm. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Các dụng cụ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người Ơ Đu được các bà, các mẹ kỳ cọ, chùi rửa kỹ càng. Sạch sẽ để cầu mong những điều mới mẻ, may mắn sẽ đến trong năm mới. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Khi có tiếng chiêng báo hiệu thời điểm tổ chức lễ đón tiếng sấm đầu năm, đông đảo người dân Ơ Đu di chuyển trên các con đường trong bản Văng Môn về địa điểm để cùng tổ chức đón lễ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Mở đầu cho lễ đón tiếng sấm đầu năm là nghi thức cúng bản. Đây là nghi thức rất quan trọng để thầy mo, các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ khấn cầu và thông báo xin thổ địa, thần linh trông coi bản làng, cai quản dòng dòng, dãy núi đồng ý cho dân bản tổ chức và đón lễ trên địa bàn. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Mâm cúng thần Sấm trong lễ đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào dân tộc Ơ Đu gồm có đầu lợn luộc, cá suối nướng, các loại thịt luộc, cơm lam màu tím, rượu trắng đựng trong ống nứa, rêu đá, nải chuối và nhiều món ăn truyền thống, đặc trưng riêng có của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Người dân Ơ Đu di chuyển các mâm cúng (cúng thần Sấm, cúng làm vía cho dân bản) ra địa điểm cúng được thực hiện ngoài trời ngay trung tâm bản Văng Môn (xã Nga My, Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Kết thúc nghi thức cúng bản, người dân tổ chức thụ hưởng lễ, uống rượu cần trước lúc tổ chức lễ đón tiếng sấm đầu năm. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

Thấy cúng, già làng, người có uy tín thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ cổ tay, đặt tên và làm vía cho người dân để mong muốn người được cột chỉ cổ tay luôn khỏe mạnh, gặp nhiều niềm vui, may mắn. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Sau phần lễ để đón tiếng sấm đầu năm, cộng đồng gười dân Ơ Đu bước vào phần hội với việc tổ chức các trò chơi dân gian, cùng nhảy múa, ca hát, gõ chiêng… trong không gian vui vẻ, hòa đồng, sôi động, âm thanh vang vọng khắp núi rừng, bản làng. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Sau nghi lễ cúng thần Sấm, thầy mo, già làng, trưởng bản và người có uy tín cùng nâng chén rượu đầu năm để chúc những điều tốt đẹp đến với bản làng trong năm mới. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/le-don-tieng-sam-dau-nam-hon-cot-van-hoa-nguoi-o-du/379775.html