Vang vọng tiếng lòng của đồng bào Lự trên đỉnh mây ngàn
Tôi đến bản Nà Luồng, xã Khun Há, tỉnh Lai Châu vào một buổi sớm, khi sương còn vương trên những đọt măng rừng và tiếng khèn lá của người Lự vọng ra từ mái sàn ẩn hiện dưới tán cây rừng cổ thụ. Hôm ấy, cả bản như thức dậy sớm hơn mọi ngày, bởi hôm nay là một ngày trọng đại, ngày diễn ra lễ Kin Khẩu Máy, nghi lễ tâm linh quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Lự.

Các già làng, trưởng bản và thầy cúng cùng đông đảo bà con thực hiện nghi lễ cúng thần linh tại một khoảng đất trống đầu bản. Ảnh: Việt Bắc
Nghi lễ của lòng biết ơn
Trong tiếng Lự, “Kin Khẩu Máy” có nghĩa là “ăn cơm mới”. Nhưng lễ này không đơn thuần là một dịp mừng lúa mới, mà còn là một nghi lễ tổng hợp, thể hiện lòng biết ơn của con người đối với trời đất, tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, dân bản mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi, mưa thuận, gió hòa.
Từ mờ sáng, tiếng cười nói đã rộn ràng khắp bản. Các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị các món ăn truyền thống, như: cơm lam, cá suối nướng, gà luộc, bánh khẩu cắm, rượu cần... Các trai tráng trong bản thì giúp dựng rạp, trang trí bàn cúng, dọn dẹp vệ sinh đường làng. Trên sân nhà văn hóa bản, những bộ trang phục truyền thống của người Lự hiện lên rực rỡ: váy đen dài, áo ngắn ôm người, khăn đội đầu, tua rua rực sắc chỉ đỏ, xanh, vàng... Mỗi hoa văn trên váy áo như một trang sử dệt bằng tay, lưu giữ bao ký ức về núi rừng, tổ tiên.
Tôi được ông Tao Văn Coóng là già làng có uy tín nhất bản, dẫn tôi đến khu cúng lễ chính giữa sân bản, ông chậm rãi nói: “Kin Khẩu Máy không chỉ là lễ mừng cơm mới, mà là dịp để con cháu nhớ ơn tổ tiên, thần núi, thần sông, thần lúa... Những người đã khuất, những thế lực linh thiêng luôn đi cùng với dân bản suốt năm dài tháng rộng”. Ông Coóng là người trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc Lự. Trong nhiều buổi sinh hoạt bản, ông thường thổi sáo và vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình qua trang phục, các món ăn truyền thống cũng như duy trì các lễ, hội của người Lự...
Nghi lễ Kin Khẩu Máy bắt đầu bằng phần cúng tổ tiên. Trong căn nhà sàn lớn của trưởng bản, bàn thờ tổ tiên được bày biện trang nghiêm. Ông Coóng thay mặt dân bản, mặc áo dài đen, đầu đội khăn trắng, miệng khấn bằng tiếng Lự những lời rì rầm đầy thành kính. Bên cạnh ông, những món lễ vật được sắp xếp tỉ mỉ: một nắm xôi nếp mới, vài khúc cá nướng, một bát canh măng và không thể thiếu bát rượu ngô men lá thơm nồng. Tiếp đó, người Lự thực hiện nghi lễ cúng thần linh tại một khoảng đất trống đầu bản, nơi được coi là nơi linh thiêng kết nối trời đất. Hương khói quyện lấy tiếng khèn, tiếng trống, tiếng lời khấn nguyện..., không gian như hòa lẫn giữa cõi thực và cõi linh. Điều đặc biệt trong lễ Kin Khẩu Máy là tất cả các gia đình đều phải giữ gìn sự trang nghiêm, thanh tịnh trong suốt ba ngày lễ. Không ai được nói tục, cãi vã hay làm điều xấu. Trẻ con được dạy rằng, trong ba ngày này, “thần linh đi qua bản”, phải ngoan ngoãn, lễ phép để được phù hộ.
Sau nghi lễ cúng trời đất, thần linh, không khí lễ hội bỗng sôi nổi hẳn lên. Cả bản cùng nhau tụ hội nơi sân lớn. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên rộn rã. Những điệu múa truyền thống của người Lự bắt đầu, uyển chuyển, nhịp nhàng như sóng lúa trên nương. Những cô gái trong trang phục váy áo truyền thống nhịp nhàng bước theo tiếng nhạc, mái tóc xõa dài, tay vung nhẹ theo nhịp trống, ánh mắt sáng ngời như mang theo cả mùa xuân trong từng nhịp nhảy. Các chàng trai thì tham gia những trò chơi dân gian gắn bó với người Lự từ bao đời như thi bắn nỏ, leo cột mỡ, ném còn... Trẻ con ríu rít chạy nhảy, cùng nhau cầm tay hát những bài dân ca như “Khẩu Mạ Lăm”, “Lù Xì Nhăm”... Những âm thanh ấy không chỉ là tiếng hát, mà còn là tiếng vọng từ ngàn xưa, từ những thế hệ tổ tiên khai phá vùng đất này.
Gìn giữ hồn lễ giữa nhịp sống hiện đại
Sau khi cùng dân bản tổ chức xong lễ Kin Khẩu Máy, ông Tao Văn Coóng trầm ngâm nhìn về phía núi xa, nơi mây trắng cuộn như dòng ký ức. Ông Coóng cho biết, ngày xưa, lễ này tổ chức tại từng gia đình. Bây giờ, cả bản cùng làm để gắn kết hơn, vui hơn và cũng để người trẻ không quên gốc gác. Trong lễ Kin Khẩu Máy, mỗi người Lự như sống chậm lại để nghe tiếng lòng mình, để nhìn sâu vào cội nguồn văn hóa. Bà con mừng cơm mới không chỉ để ăn mừng cái no, mà còn để gợi nhớ một triết lý sống đẹp, tri ân quá khứ, sống hòa thuận với tự nhiên và con người.

Phụ nữ Lự nấu cơm nếp để dâng lên tổ tiên trong lễ Kin Khẩu Máy. Ảnh: Việt Bắc
Lời ông khiến tôi chợt hiểu rằng, giữa những biến động của thời đại, lễ Kin Khẩu Máy không chỉ là một nghi thức, mà còn là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng người Lự, trong đó chứa đựng tinh thần cố kết cộng đồng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và triết lý sống thuận tự nhiên mà tổ tiên đã truyền lại. Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, người Lự vẫn bảo tồn nguyên vẹn lễ Kin Khẩu Máy. Nhiều bạn trẻ học xa quê vẫn về đúng dịp để được hòa mình vào không khí lễ hội, để được khoác lên mình bộ váy áo truyền thống và cùng ông bà, cha mẹ khấn nguyện điều lành.
Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm hơn tới việc giữ gìn lễ hội: hỗ trợ tổ chức lễ theo hình thức cộng đồng, đưa lễ hội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, hướng dẫn cách phục dựng nghi thức theo đúng nguyên bản... Một số trường học ở địa phương đã lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc trong chương trình giảng dạy, điều đó giúp lớp trẻ hiểu rằng mình không chỉ là một công dân của hiện tại, mà còn là người gìn giữ ký ức của dân tộc mình.
Chiều muộn, khi ánh hoàng hôn buông xuống vạt núi, tôi rời bản trong tiếng trống dập dìu và những câu hát dân ca vẫn còn vương bên tai. Lễ Kin Khẩu Máy kết thúc, nhưng dư âm thì còn mãi, như một dòng chảy âm thầm nhưng mãnh liệt trong mạch nguồn văn hóa người Lự. Giữa mây ngàn, gió núi Lai Châu, tiếng khấn tổ tiên hòa cùng tiếng lòng dân bản, vọng lên từ ruộng đồng, từ nếp nhà sàn, từ bàn tay vun trồng mùa màng no đủ. Kin Khẩu Máy - một lễ hội của lúa, của người và của cả những gì thiêng liêng nhất trong tâm hồn một tộc người từng trải qua bao tháng năm bám rừng giữ đất, sẽ mãi là ngọn lửa thiêng sưởi ấm hồn dân tộc Lự trong hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa giữa thời đại hội nhập hôm nay.