Lễ gia tiên đầu năm…
Ngày tôi còn nhỏ, con cháu hành lễ gia tiên đầu năm là một trong những điều bắt buộc, không được phép 'cho qua' dù bất cứ lí do nào!
Thường sáng đầu năm tuổi thơ hay ngủ muộn. Lý do đơn giản: vì vui quá nên đêm ba mươi Tết thức có… hơi khuya. Thế nhưng, muộn gì muộn, cũng phải dậy trước lễ cúng đầu năm. Để chuẩn bị lễ gia tiên. Ngày ba còn sống thì có ba lo. Ba mất rồi đến lượt mẹ lo. Nghi thức này quan trọng lắm, không đùa được. Thế nên ba tôi lúc sinh tiền đã từng “hăm” anh chị em tôi một câu lạnh sống lưng: đứa nào trốn lạy ông bà đầu năm là… không phải con cháu nhà này!
“Lễ gia tiên” là gọi theo ngôn ngữ phổ thông - nó trọn vẹn và đại chúng hơn, bởi từ gia tiên mang một hàm nghĩa rộng, bao gồm cả cha mẹ ông bà (đã mất) và hết thảy chư vị liệt tổ liệt tông - chứ người Nam - Trung bộ đơn giản chỉ kêu là “lạy ông bà”! Nghĩa ngầm hiểu đương nhiên như nhau; nhưng ngôn từ, nếu không quen, hơi dễ gây… ngộ nhận! Ngày tôi còn bé, cái hành trình lễ lạy đầu năm bắt đầu từ nhà mình trước nhất. Cỗ bàn sửa soạn xong, ba (hoặc, sau này, mẹ tôi) thay áo lễ vào thắp hương, khấn vái.
Lâu dần quen lệ, thấy ba đốt nến, chúng tôi cũng lập tức sửa soạn xống áo chỉnh tề chực sẵn bên ngoài. Ba gọi là có mặt ngay, rồng rắn sắp thành hàng dài, lớn trước nhỏ sau. Khởi đầu là lễ chung; ba đứng trước chủ lễ, chúng tôi cùng chắp tay nghiêm cẩn sau lưng. Ba vái chúng tôi vái, ba lạy chúng tôi lạy – răm rắp theo từng cử động của ba. Xong nghi thức, ba từ tốn lui ra, hất đầu. Ấy là tín hiệu báo giờ lễ riêng đã đến. Con cái từng đứa một tuần tự – lớn trước nhỏ sau – tiến lên hành lễ.
Nghi thức đại cương thì ba đã dạy sẵn: lạy 3 lạy để vào lễ; sau đó thì quỳ (hoặc đứng nghiêm) chắp tay khấn vái. Vái xong, lại lạy 3 lạy để trả lễ và lui ra. Đơn giản vậy; nhưng không phải ai cũng làm trôi. Hành trình tự lực cánh sinh (tức một mình hành lễ, không có ba) diễn ra với đủ màn “bổ củi” ngửa nghiêng, lóng nga lóng ngóng, lúc thiếu lúc thừa, nhớ trước quên sau (nhất là với mấy đứa nhỏ) trông… mắc cười lắm. Ấy vậy nhưng, chớ có dại mà cười; bởi “giám lễ” (tức ba tôi) sẽ lập tức trừng mắt, e hèm cảnh báo với điệu bộ vô cùng đáng sợ khiến đương sự dù ngoan cố mấy cũng phải tắt đài ngay! Sau này nghĩ lại, cái lóng nga lóng ngóng ấy một phần do tâm lý trẻ con hiếu động, khó thích nghi cùng chuyện lễ lạt; nhưng một phần cũng do chúng tôi bị “khớp” trước không khí thành kính, nghiêm trang của cái không gian tâm linh được bài trí bởi đèn nến, hương hoa và gương mặt thành kính của ba.
Có điều, khớp thì khớp, trong bài khấn vái đầu năm, ngoài chuyện cầu xin tổ tiên phù hộ cho học giỏi, bình an (theo như lời “mớm” của ba), tôi không bao giờ quên chuyện tranh thủ xin thêm vài món “ngoài luồng” mà ba tôi cấm có biết; chẳng hạn: Con cầu xin ông bà phù hộ cho Tết này kéo dài lâu lâu, cho con có nhiều tiền lì xì, cho con cá vàng con nuôi đá thắng cá thằng Ròm để rửa hận v.v và v.v... Chẳng hiểu ông bà lắng nghe, chứng giám cho những lời cầu xin ấy đến đâu; chỉ biết rằng ba tôi thì “chứng” tức thì cho tôi bằng vẻ mãn nguyện, vui tươi bởi thấy tôi khấn vái rất nhiệt tâm, nghiêm túc, chân thành…
Lễ tại gia xong rồi ba hoặc mẹ sẽ tiếp tục bố trí đưa chúng tôi đi hành lễ màn 2 cảnh 2 – tức tại các Tổ đường (nhà thờ) của hai bên nội ngoại. Thường phải mất trọn ngày mồng một khâu lễ gia tiên đầu năm mới xem như hoàn tất. Tuy vậy, dời nhà ra đi là lễ đã kèm hội – có nghĩa bắt đầu tiết mục thăm viếng, chúc Tết bà con thân thuộc và nhận… lì xì đầu năm! Thêm nữa, nghi thức lễ lạy lúc này cũng nhẹ nhàng, dễ thở hơn nên lũ trẻ chúng tôi đều vui như… Tết, chẳng có chi phải phàn nàn…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-gia-tien-dau-nam-post282051.html