Lễ hạ nêu ở làng Gia Bình
Sau Tết, từ ngày mồng 7 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch, một vài làng quê ở Quảng Trị còn giữ lại được lễ hạ nêu. Với làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, từ xưa nay đã chọn ngày mồng 7 tháng Giêng để tổ chức lễ hạ nêu kết thúc các hoạt động vui chơi ngày Tết, mọi người quay trở lại công việc sản xuất, buôn bán hằng ngày. Đây là lễ hội truyền thống được làng Gia Bình gìn giữ gần 500 năm qua nhằm phát huy giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng làng xã.
Ngày lễ hạ nêu năm nay được làng Gia Bình tổ chức vừa truyền thống, vừa hiện đại để phù hợp với tình hình phòng, chống COVID-19. Làng Gia Bình có lịch sử khoảng 5 thế kỷ tại vùng đất miền Tây huyện Gio Linh. Trong quá trình cùng các làng, xã khác đấu tranh, xây dựng đất nước và phát triển quê hương, làng Gia Bình luôn cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống được cha ông hoài công vun đắp. Lễ dựng, hạ nêu ngày Tết là một trong những lễ được dân làng Gia Bình rất coi trọng. Hằng năm, vào ngày 25 tháng Chạp, làng Gia Bình đều tổ chức lễ dựng cây nêu. Dân làng kể lại, những năm gần cuối thế kỷ 19, khi đang làm quan Bộ Lại triều Nguyễn, không ít lần cụ Lâm Hoằng về thăm quê dịp Tết, cụ rất vui khi biết họ hàng, dân làng luôn xem trọng nghi lễ dựng và hạ cây nêu trong dịp Tết và khuyến khích dân làng cố gắng gìn giữ những truyền thống văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp, động viên con cháu cố gắng học hành, thi cử đỗ đạt, làm việc giúp ích nước nhà.
Tết Tân Sửu 2021 này, cây nêu đã được làng Gia Bình dựng lên từ ngày 25 tháng Chạp của năm Canh Tý tại miếu làng. Để có cây nêu, từ đầu năm ông chủ làng đã chọn một cây tre cao, thẳng ở lũy tre bên đình làng rồi dặn dò mọi người không ai được xâm phạm. Sáng 25 tháng Chạp, ông chủ làng đích thân chặt cây tre xuống, thanh niên trong làng cùng nhau vác tre đến miếu làng-là địa điểm dựng nêu. Cây tre làm nêu thường phải cao hơn 5 m, phía trên được trang trí nhiều thứ, thông thường có lá cờ với dòng chữ Phú - Thọ - Khang - Ninh, mang ý nghĩa cầu mong sự giàu sang, dân làng sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Người xưa quan niệm cây nêu là trục vũ trụ, cột nối giữa trời và đất nên dựng nêu để nghênh đón những điều may mắn đến với gia đình, cộng đồng năm mới bình an, vạn phúc. Người làng Gia Bình ngày nay cũng có quan niệm như vậy. Ngoài ra, việc dựng nêu còn xuất phát từ quan niệm để trừ ma quỷ, không cho ma quỷ đến quấy phá gia đình (vì dân gian quan niệm ngày 23 tháng Chạp ông Công ông Táo đã lên chầu trời, không ai giữ nhà); cộng đồng để Tết bình an; mong muốn tiễn những thứ xấu xa, không may mắn của năm cũ ra khỏi làng. Từ khi dựng nêu thì dân làng không còn sản xuất ở ngoài đồng nữa, chỉ tập trung lo những công việc liên quan đến Tết.
Đúng sáng mồng 7 tháng Giêng, trong bộ áo dài, khăn đóng, Trưởng làng Gia Bình Ngô Đức Thuận chủ trì lễ hạ nêu trước sự có mặt đầy đủ các chức sắc, hội đồng trị sự của làng, các hội đồng dòng tộc, cũng như con em dân làng. Mâm cỗ cúng lễ hạ nêu được bày ở bàn thượng, trung, hạ với các lễ vật như hương hoa, đèn, mâm ngũ quả, mâm xôi, gà trống luộc, heo quay, cau trầu, vàng mã. Từ sáng sớm, sau khi tiếng trống vang lên, bà con trong các dòng họ tập trung đông đủ ở miếu làng để dâng lễ, dâng hương. Sau khoảng 30 phút tổ chức các nghi lễ, cây nêu được hạ xuống, đánh dấu kỳ nghỉ tết Tân Sửu kết thúc.
Trưởng làng Ngô Đức Thuận cho biết, nguồn gốc của lễ hạ nêu xuất phát từ phong tục dựng cây nêu ngày Tết của người Việt cổ. Theo phong tục đó, từ ngày 25 tháng Chạp hoặc muộn nhất là ngày 30 Tết, làng tổ chức lễ dựng cây nêu. Quan niệm dân gian cho rằng, trong những ngày tết Nguyên đán, các vị thần linh và những bậc gia tiên về ăn Tết cùng con cháu, gia chủ, dân làng. Sau khi kết thúc tết Nguyên đán, làng tổ chức lễ hạ nêu để tiễn đưa các vị thần, tổ tiên trở về âm cảnh, vì vậy cây nêu được hạ xuống. Lễ hạ cây nêu đầu năm có ý nghĩa cầu mong năm mới bình an, đón thần linh và tài lộc về với gia đình, cộng đồng là một nghi thức quan trọng trong ngày Tết cổ truyền.
Sau lễ hạ nêu, người làng Gia Bình tập trung về đình làng sinh hoạt văn hóa. Tại đây, tất cả các trò chơi dân gian đều được con em của làng biểu diễn. Mâm cỗ được dọn ra, bên ly rượu, ly trà đầu năm mới, những câu chuyện về truyền thống đánh giặc giữ nước, giữ gìn văn hóa truyền thống, xây dựng quê hương của ông cha được các bậc chú bác kể lại cho con cháu nghe như những lời động viên, giáo dục, khích lệ thế hệ hôm nay sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Cứ như vậy, cuộc vui kéo dài hết ngày mồng 7 tháng Giêng. Hôm sau tất cả mọi người trở lại công việc làm ăn, buôn bán bình thường, đến Tết năm sau, dân làng lại cùng nhau thực hiện nghi lễ này.
Lễ hạ nêu là một mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc với ý nghĩa tốt đẹp, thế nhưng đến nay nhiều làng quê không giữ được phong tục này. Với làng Gia Bình, năm thế kỷ qua (trừ những năm chiến tranh) dân làng vẫn luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp này với sự đoàn kết, xây dựng, phát triển của các dòng họ như: Lâm, Thiều, Võ, Ngô, Nguyễn, Trần... đã cùng nhau tạo dựng nên hương đất làng Gia Bình sâu thẳm mạch nguồn. Người dân làng Gia Bình đang từng ngày góp sức xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mà lễ hạ nêu là một điển hình về việc gìn giữ và phát huy những mỹ tục tốt đẹp của cha ông.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155701