Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025 sẽ thu hút trên 200.000 du khách
Kéo dài 5 ngày, từ ngày 9 đến 13/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 có nhiều điểm mới so với các lần tổ chức trước, dự kiến thu hút trên 200.000 du khách. Nhiều hoạt động của Lễ hội được kỳ vọng là nguồn động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 21/2, tại TP.HCM, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Sự kiện lần này cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025).
Lễ hội cà phê năm nay sẽ có 17 hoạt động chính tiêu biểu như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; cuộc thi rang cà phê đặc sản; hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm cà phê Việt; uống cà phê miễn phí tại các quán cà phê trên địa bàn toàn tỉnh; Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk; Hội voi Buôn Đôn...
Ông Trần Hồng Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự kiến Lễ hội cà phê năm nay sẽ thu hút hơn 200.000 du khách. Ngoài hành trình trải nghiệm về cà phê, du khách đến với Lễ hội còn được trải nghiệm hành trình về di sản của địa phương.

Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự kiến Lễ hội cà phê năm nay sẽ thu hút hơn 200.000 du khách.
“Chúng tôi có 2 hành trình du lịch gồm: hành trình trải nghiệm về cà phê và hành trình giới thiệu di sản địa phương. Đặc biệt nhất là hành trình trải nghiệm cà phê, du khách sẽ được tham quan từ khâu trồng, sản xuất đến việc chế biến ra các sản phẩm cà phê. Ngoài ra, chúng tôi cũng mời du khách đến tham quan, tìm hiểu Khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA ở huyện Krông Pắc – nơi mà Pháp đã đặt đồn điền cà phê đầu tiên tại cao nguyên” - ông Trần Hồng Tiến nói.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê tại Việt Nam, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 520.000 tấn, chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, cây cà phê là một trong những nguồn lực trụ cột của tỉnh. Thời gian qua, cà phê Đắk Lắk đã chinh phục được những thị trường khó tính và xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Lễ hội không chỉ tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê mà còn giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc, tiềm năng du lịch của Đắk Lắk.
Trong khuôn khổ Lễ hội lần này sẽ diễn ra lễ khởi công nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh đây là một nguồn động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Qua 50 năm đổi mới, chúng tôi đã tính toán rằng tỉ trọng nông nghiệp, trong đó cà phê là một trong những nguồn lực tăng trưởng của tỉnh. Chúng ta có thể hình dung như thế này, khi khởi công nhà máy chế biến, tức là chúng ta đã chuyển dần từ sản xuất thô, xuất khẩu sản phẩm cà phê thô sang chế biến thì giá trị gia tăng nó sẽ như thế nào. Từ xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến có hàm lượng công nghệ cao thì giá trị sẽ lan tỏa, tạo việc làm cho cả xã hội. Chắc chắn sẽ tăng trưởng và là nguồn động lực mới cho tăng trưởng của Đắk Lắk trong những năm qua và những năm tới”.
So với lần tổ chức vào năm 2023, lễ hội lần này có nhiều điểm mới như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền lễ hội trên môi trường mạng; Hội trại cà phê “đồng hành, chia sẻ” tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…